Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phi công Trung Quốc phải nâng cao tay nghề vì ô nhiễm

Giới chức Trung Quốc thông báo với những phi công rằng nếu họ muốn đáp máy bay xuống thành phố Bắc Kinh thì họ phải nâng cao kỹ năng hạ cánh vì khói mù khiến tầm nhìn ở đây giảm mạnh.

China Daily dẫn lời cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc cho hay, từ ngày 1/1, các phi công bay từ 10 sân bay đông đúc nhất Trung Quốc tới thủ đô Bắc Kinh phải có khả năng sử dụng một hệ thống hạ cánh dành cho tình huống tầm nhìn giảm xuống khoảng 400 m.

"Hệ thống đó là một phần trong hàng loạt biện pháp mà cơ quan hàng không dân dụng thực hiện để nâng cao mức độ chính xác về thời gian của các chuyến bay", một quan chức hàng không phát biểu.

Khói mù bao phủ một sân bay tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: AP

Mặc dù đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các phi trường mới và mua máy bay hiện đại của phương Tây, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tình trạng các chuyến bay trễ do thời tiết biến động và sự kiểm soát chặt chẽ không phận của quân đội.

Báo chí Trung Quốc thường xuyên đưa tin về những vụ hành khách cãi cọ, xô xát với tiếp viên hàng không vì máy bay không cất cánh hoặc hạ cánh đúng giờ. Chính phủ đã yêu cầu các hãng hàng không và phi trường chấm dứt tình trạng này, song dường như đó là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong vài năm qua, khói mù đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự chậm trễ của các chuyến bay. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn tại Bắc Kinh, Thượng Hải và đại đô thị khác của Trung Quốc.

"Do khói mù và sương mù gây khó khăn cho vận tải đường không ở phía đông và phía nam Trung Quốc, nhà chức trách phải yêu cầu các phi công cải thiện khả năng đáp xuống của họ trong điều kiện tầm nhìn giảm xuống mức thấp", Ouyang Jie, một giáo sư của Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc, nói.

Hiện nay chỉ vài phi trường tại Trung Quốc có những hệ thống giúp máy bay đáp xuống an toàn khi tầm nhìn quá thấp.

Chất lượng không khí thấp đang trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Đây là hậu quả của việc cố phát triển kinh tế bằng mọi giá trong suốt ba thập niên qua. Ô nhiễm có thể trở thành mầm mống gây bất ổn bởi tầng lớp cư dân thành thị đang phản đối mô hình tăng trưởng kinh tế bất chấp hậu quả môi trường.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm