Quân đội Trung Quốc (PLA) đã xác nhận vụ tai nạn máy bay hôm 29/1 trong buổi huấn luyện tại Quý Châu, Trung Quốc. Theo SCMP, một nguồn tin nội bộ PLA cho biết tất cả 12 người có mặt trên chiếc máy bay tiếp liệu đời mới, phiên bản cải tiến từ máy bay vận tải Y-8, đã thiệt mạng.
Vụ việc tại Quý Châu là tai nạn mới nhất trong hàng loạt sự cố của không quân Trung Quốc, phơi bày "khoảng cách chết người" giữa tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của không quân Trung Quốc với trình độ công nghệ và năng lực thực sự của lực lượng này.
Tham vọng cách xa năng lực
"Không có ghế phóng thoát hiểm trên máy bay loại đó, vì thế các phi công và phi hành đoàn phải phó mặc sinh mạng cho các bộ dù cứu hộ. Nhưng, bởi máy bay rơi quá nhanh, họ không có đủ thời gian để nhảy ra", một nguồn tin giấu tên từ PLA nói với SCMP.
Tai nạn máy bay tại Quý Châu xảy ra chỉ vài tuần sau tai nạn của một tiêm kích J-15. Nguồn tin cho biết những vụ tai nạn liên tiếp đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sĩ khí của lực lượng không quân. Nhiều phi công lo ngại các vụ tai nạn có thể tiếp tục xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng cường độ các hoạt động tập trận và huấn luyện.
Máy bay Y-8 của không quân Trung Quốc còn nhiều vấn đề về động cơ và thiết kế. Ảnh: China Defense. |
Từ năm 2017, không quân Trung Quốc bắt đầu tăng các cuộc tập trận trên các vùng biển ngoài khơi nước này với sự tham gia của nhiều máy bay quân sự, bao gồm các hoạt động tuần tra quanh đảo Đài Loan và các cuộc tập trận bắn đạn thật khắp Thái Bình Dương.
Mục tiêu của Bắc Kinh là phô diễn năng lực quân sự nhằm chứng minh nước này có thể chọc thủng "chuỗi đảo thứ nhất", chuỗi các đảo ngăn cách Trung Quốc và Thái Bình Dương mà Trung Quốc tin là bị Mỹ sử dụng nhằm kiểm tỏa nước này kể từ Chiến tranh Lạnh.
Nhưng, các vụ tai nạn liên tiếp đang cho thấy năng lực của các máy bay Trung Quốc không đủ đáp ứng tham vọng trên của Bắc Kinh.
"Phải thừa nhận rằng có khoảng cách chết người giữa công tác tập huấn tác chiến và sự phát triển không đồng bộ của lực lượng máy bay Trung Quốc", nguồn tin nội bộ PLA nhận định.
Những máy bay như Y-8 hay J-15 đều có hàng loạt vấn đề từ động cơ, thiết kế cũng như cải tiến. Tuy nhiên, thay vì thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm hơn, các phi công buộc phải tham gia vào các cuộc tập trận cường độ cao bất chấp những điểm yếu chết người của các máy bay.
Đổi sinh mạng phi công lấy máy bay
Không quân Trung Quốc đang phải đối mặt nhiệm vụ chính trị "xây dựng lực lượng sẵn sàng tác chiến". Các phi công của nước này được đào tạo để bảo vệ sự tồn vong của các máy bay thay vì sự an toàn của bản thân họ.
"Cách đào tạo và giáo dục này đúng là có thúc đẩy sự phát triển của không quân, nhưng với cái giá quá đắt. Mạng sống mới là thứ quý giá", nguồn tin từ PLA nói với SCMP.
Trong tương lai, những tai nạn thảm khốc sẽ còn tiếp diễn bởi giới quân sự đang chịu áp lực khủng khiếp từ Quân ủy Trung ương Trung Quốc phải tiến hành nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật dưới mọi điều kiện thời tiết.
Phi công Cao Xianjian bị thương nặng trong nỗ lực đưa tiêm kích J-15 về căn cứ an toàn khi gặp sự cố. Ảnh: Js China. |
Tháng 11/2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin phi công 29 tuổi Huang Peng tử nạn trong một tai nạn máy bay. Nguồn tin từ giới chức quân sự Trung Quốc cho biết phi công này đã trì hoãn nhảy dù vì cố đưa chiếc tiêm kích J-11B hạ cánh an toàn.
Trước đó một tháng, đài CCTV phát sóng chương trình tuyên dương các phi công Cao Xianjian và Zhang Chao vì đã "dũng cảm" đưa các tiêm kích J-15 trở về căn cứ sau khi gặp sự cố trong quá trình huấn luyện. Zhang đã thiệt mạng khi nỗ lực hạ cánh bất thành. Đối với Cao, phi công này bị thương nặng và mất hơn 1 năm điều trị phục hồi.
"Khi chúng tôi (phi công) nhận ra máy bay có vấn đề, mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào để đưa máy bay về căn cứ an toàn, phi công không nên bỏ rơi máy bay. Đó là người bạn thân của chúng tôi", phi công Cao nói với CCTV.