Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (thứ 2 bên trái) cùng Bộ trưởng Bộ Du lịch Hisham Zaazou tại hiện trường vụ tai nạn khiến 224 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters |
Theo Business Insider, chiếc A321-200 trước khi bàn giao cho hãng hàng không Kogalymavia từng gặp sự cố chạm đuôi vào đường băng vào năm 2001 tại Cairo, Ai Cập. Phi cơ này sau đó đã được sửa chữa tại nhà máy trước khi được đưa vào hoạt động trở lại.
Chuyên gia tư vấn hàng không John Cox lập luận, khi phi công cất hoặc hạ cánh, do nâng phần mũi quá cao có thể khiến đuôi máy bay chạm vào đường băng. Một sự cố như vậy có thể dẫn đến vết nứt ở khung máy bay mà không thể kiểm tra bằng mắt thường.
Quá trình kiểm tra vết nứt ở khung máy bay phải được thực hiện tại các nhà máy lớn và thường diễn ra khoảng 4 đến 5 năm mỗi lần. Khi đó, các kỹ thuật viên sẽ tháo phần vỏ ngoài và dùng máy siêu âm hoặc thuốc nhuộm đặc biệt để phát hiện vết nứt.
“Đó là một quá trình sửa chữa rất phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao”, chuyên gia Cox nói. Ông cho biết thêm, nếu vết nứt nhỏ ở khung không được phát hiện và sửa chữa kịp thời dẫn đến vết nứt lớn hơn trong quá trình hoạt động. Chuyên gia Cox nhận định, sự cố chạm đuôi vào đường băng trước đây có thể là một nguyên nhân khiến phi cơ gãy làm đôi trong không trung.
Năm 2002, chuyến bay số hiệu 611 của hãng hàng không China Airlines gãy làm đôi trên không khi bay từ Đài Loan đến Hồng Kông khiến toàn bộ 225 người thiệt mạng. Cuộc điều tra sau đó cho thấy, vết nứt ở khung sau một sự cố quệt đuôi đã không được sửa chữa đúng cách và dẫn đến thảm kịch.
Âm thanh lạ trong hộp đen
Người dân Nga đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân xấu số tại Quảng trường Dvortsovaya, thành phố St. Petersburg, Nga. Ảnh: AP |
Interfax dẫn lời các chuyên gia hàng không tại thủ đô Cairo, Ai Cập cho biết, quá trình kiểm tra dữ liệu trong thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) của máy bay gặp nạn cho thấy những dấu hiệu bất thường. Các chuyên gia phát hiện, ngoài những âm thanh trao đổi thông thường giữa thành viên phi hành đoàn còn có những tiếng động khác thường vài giây trước khi phi cơ gặp nạn.
Nhiều khả năng bên trong phi cơ đã xảy ra sự cố đột ngột khiến các phi công không kịp bật tín hiệu cấp cứu, Interfax nhận định. Trong khi đó, Robert Galan, chuyên gia hàng không Pháp nhận định: “Một quả bom có thể đã được cài ở điểm dừng và lập trình để phát nổ sau khi máy bay cất cánh, hoặc thợ cơ khí đã phá hoại bên trong máy bay”.
Ông phân tích thêm, việc phá hoại đòi hỏi sự quen thuộc về hệ thống điện hoặc nhiên liệu của máy bay A321-200, nhưng để cài một quả bom không đòi hỏi quá nhiều kiến thức.
Chuyên gia Galan cho rằng, việc phân tích hộp đen sẽ không thể xác nhận phi cơ gặp nạn do bom hay bị phá hoại, vì hộp đen chỉ ghi lại thông tin liên lạc giữa phi công. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, các nhà điều tra có thể phát hiện dấu vết thuốc nổ còn sót lại trên mảnh vỡ máy bay trong vòng 48 tiếng.
Chuyên gia về khủng bố Michael Clarke, giám đốc Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, trao đổi với BBC rằng, nếu xảy ra sự cố kỹ thuật, các phi công chắc chắn sẽ bật tín hiệu cấp cứu. Ông nói: “Máy bay vỡ làm 2 mảnh, tôi cho rằng đó chỉ có thể là hậu quả của một vụ nổ từ bên trong”.
Trong khi đó, quan chức quốc phòng Mỹ cho hay vệ tinh của Mỹ đã phát hiện chớp sáng lóe lên trên bán đảo Sinai đúng vào thời điểm phi cơ của Nga gặp nạn. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể xác định vụ nổ do bom hay bồn nhiên liệu.