Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về ban hành quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.
Về số lượng các cuộc giám sát chuyên đề, theo quy định, Quốc hội lập không quá 15 đoàn giám sát đến địa phương một năm, mỗi đoàn làm việc ở không quá 15 địa phương. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng điều cần quan tâm là chất lượng và việc giám sát có làm phiền địa phương không.
“Rõ ràng địa phương nào cũng chỉ thích đến thăm, thích được khen chứ giám sát là chắc chắn có vấn đề”, bà Nga nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nên cố gắng điều phối, mỗi năm không nên quá 4 giám sát đoàn xuống địa phương. Thực tế nhiều địa phương chưa nghiêm túc, thậm chí cả địa phương lớn cũng coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết nhiều địa phương coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: Công Khanh. |
“Có đoàn do phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn xuống giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng địa phương lại chỉ cử một phó chủ tịch ra làm việc, thể hiện sự không nghiêm túc”, ông Hiển nói.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị nếu cần thiết thì công khai một vài người trước Quốc hội để địa phương tôn trọng giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đích thân bà đã gọi điện phê bình địa phương đó. “Các địa phương phải tôn trọng, phải làm sao để giám sát Quốc hội thể hiện rõ vai trò giám sát tối cao”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý mục tiêu của nhiệm vụ này tới đây là khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp. “Giám sát phải thực sự có chất lượng chứ không phải kéo một đoàn đi rất đông nhưng không mang lại hiệu quả gì”, bà Ngân nhấn mạnh.