Sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Dự án luật từng được Quốc hội thảo luận cả ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2016.
Tuy nhiên, trong lần thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, nhiều đại diện bộ, ngành tiếp tục nêu ra ý kiến trái chiều, không đồng nhất với dự thảo.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu về kinh phí lập quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có kinh nghiệm về việc có tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cấp tiền lập quy hoạch xây dựng. Bộ Xây dựng thấy có hiệu quả, chưa phát hiện dự án nào lồng ghép lợi ích của doanh nghiệp bỏ tiền lập quy hoạch.
"Tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nếu xoá bỏ kinh phí xã hội hoá sẽ rất khó khăn. Nên cân nhắc quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch chỉ được dùng ngân sách để lập", ông Toàn đề nghị.
Về xây dựng, Thứ trưởng Toàn cho rằng điều 12 của dự án luật cần xem xét lại. Bởi luật này ra đời có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn quy hoạch lớn, quy hoạch phân khu, vùng, tỉnh...
"Theo Luật Đô thị và Luật Xây dựng, bao giờ cũng có tầm nhìn xa, nếu lập lại sẽ tốn rất nhiều kinh phí", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng luật do Chính phủ trình nhưng nhiều bộ còn ý kiến chứng tỏ chưa ổn. “Làm luật thế này thì chất lượng không đảm bảo. Chính phủ trình nhưng rõ ràng từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất với nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bà Ngân cũng cho rằng phải lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình làm luật và dự thảo luật này còn thiếu một nguyên tắc rất quan trọng là để người dân tham gia đóng góp ý kiến.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Bất ngờ trước ý kiến không đồng thuận của một số đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đại diện cơ quan soạn thảo) cho hay ông nghĩ rằng luật đã có được sự đồng thuận cao từ các bộ, nhưng không ngờ lại có nhiều ý kiến “nói ngược”.
“Chính phủ bàn rất nhiều luật, trong đó có Luật Quy hoạch, sau khi bàn bạc cuối cùng là lấy phiếu, đầy đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội. Trình ra rồi mà các bộ, ngành lại nói ngược, nói khác là trái nguyên tắc làm việc, như vậy không bao giờ làm được cả”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng từng phê bình các bộ về việc này, bởi đây là cách làm “đẽo cày giữa đường”.
Ông Dũng thẳng thắn: “Ở các nước, làm luật là do một cơ quan riêng biệt độc lập, không bị chi phối bởi ai thì ở ta luật do các cơ quan làm. Các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến lợi ích của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt cho xã hội hơn”.
Chia sẻ vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ sự băn khoăn và đề nghị các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để tìm ra cái chung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Luật Quy hoạch ra đời phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán và rất lãng phí trong quy hoạch. Bà đề nghị tiếp tục hoàn thiện luật để sớm trình ra Quốc hội, làm sao để tạo được sự đồng thuận cao chứ không thể để còn những ý kiến mâu thuẫn.