Ông Wang, 62 tuổi, là một công nhân đã về hưu. Theo New York Times, ông là một trong vài người Trung Quốc tình nguyện cấy ghép cơ thể tại bệnh viện ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Ren Xiaoping của Bệnh viện Y khoa Cáp Nhĩ Tân là người đề xuất phương pháp này. Trong một bài phỏng vấn, bác sĩ Ren cho biết ông đã thành lập một nhóm thành viên và hoạt động nghiên cứu đang tiến hành. Ông khẳng định sẽ không chùn bước và ca phẫu thuật sẽ diễn ra "khi chúng tôi sẵn sàng".
Năm 1999, Ren tham gia hỗ trợ ca cấy ghép tay đầu tiên tại Mỹ cùng nhóm chuyên gia Đại học Louisville. Ông từng thử nghiệm cấy ghép đầu ở chuột, nhưng con vật chỉ sống được một ngày. Ren cũng nói ông bắt đầu thực hành trên xác người, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Kế hoạch gây lo ngại
Theo Ren, ông sẽ lấy phần đầu từ hai cơ thể, kết nối các mạnh máu từ cơ thể người hiến tặng với đầu của người nhận, sau đó chèn một tấm kim loại để cố định phần cổ mới, mút thần kinh tuỷ sống sẽ được ngâm trong một dung dịch đặc biệt để hỗ trợ quá trình tái tạo và cuối cùng khâu da lại.
Ông Ren nghiên cứu X-quang của bệnh nhấn sau một ca phẫu thuật. Ông thừa nhận nỗ lực gắn đầu của một người với một cơ thể mới sẽ là vô cùng khó khăn. Ảnh: New York Times |
Ý tưởng cấy ghép cơ thể là điều các chuyên gia trên khắp thế giới báo động về giới hạn đạo đức và thực tiễn khoa học mà Trung Quốc định thực hiện. Theo nhiều chuyên gia và bác sĩ hàng đầu thế giới, cấy ghép cơ thể là điều không thể, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Việc kết nối các dây thần kinh trong tuỷ sống không hề đơn giản và có thể khiến bệnh nhân mất mạng.
"Đối với hầu hết mọi người, đó là sự hấp tấp và liều lĩnh", James L. Bernat, giáo sư thần kinh và y học tại trường Y Geisel của Đại học Dartmouth, Mỹ, nhận định.
Trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 11/2015, Huang Jiefu, cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, cho biết khi cột sống bị cắt đi, các dây thần kinh không thể kết nối lại. Do đó, về mặt khoa học, điều này không thể thực hiện.
"Về mặt đạo đức cũng không thể. Làm sao bạn có thể đặt phần đầu của người này vào cơ thể của một người khác", Huang nói.
Các nhà phê bình cho rằng, ý tưởng điên rồ này xuất phát từ tham vọng quốc gia và việc đẩy mạnh chi tiêu ngân sách nhà nước. Trong năm 2015, chính phủ Trung Quốc đầu tư 216 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học và phát triển, tăng khoảng 7 lần so với con số đầu tư năm 2005.
Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc lo ngại các thử nghiệm đang diễn ra quá nhanh và quá xa. Chuyên gia Cong Yali từ Đại học Bắc Kinh cho rằng kế hoạch của Ren đang khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn thiên lệch về Trung Quốc.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Sơn ở thành phố Quảng Châu, đã biến đổi một gene gây bệnh thiếu máu trong phôi thai, sử dụng một kỹ thuật phát triển của Mỹ. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho biết thí nghiệm này đã vượt xa giới hạn về đạo đức, bởi những thay đổi sẽ được kế thừa nếu tiến hành trên phôi thai có thể sống được. Nó cũng có thể mở đường cho viêc sửa đổi gene vĩnh viễn để tạo ra những em bé hoàn hảo cả về ngoại hình và trí thông minh.
Bất chấp những quan ngại, một nhóm chuyên gia của Đại học Y Quảng Châu hồi tháng 4 tuyên bố thực hiện ca biến đổi gene để phô thai kháng lại virus HIV. Ngay lập tức, nhiều nhà khoa học quốc tế đã lên tiếng chỉ trích.
Tranh cãi về đạo đức
Đạo đức là vấn đề "đeo bám" các nhà khoa học Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng. Dù Bắc Kinh tuyên bố không còn sử dụng nội tạng của tử tù, nhiều bác sĩ phẫu thuật đôi khi vẫn trình các nghiên cứu từ nội tạng của tù nhân tại hội thảo quốc tế. Năm nay, Hiệp hội Cấy ghép tim mạch và phổi Quốc tế cho biết họ đã bác bỏ một nghiên cứu của nhóm Trung Quốc tại cuộc họp thường niên.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học và đạo đức học Trung Quốc ngang nhiên nói mối lo ngại từ giới chuyên gia, đặc biệt là từ nước ngoài, đang bị thổi phồng. Họ cho rằng đó là sự ghen tị với tiến bộ kinh tế và khoa học của Trung Quốc trong những thập niên gần đây, hoặc coi phản ứng của phương Tây là sự hiểu lầm về tình hình hiện tại.
Ý tưởng cấy ghép đầu của một người với cơ thể của một người khác là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh: Telegraph |
Trên thực tế, bác sĩ Ren không phải người duy nhất muốn đi sâu vào lĩnh vực cấy ghép cơ thể. Năm 2015, nhà giải phẫu học thần kinh người Italy, ông Sergio Canavero, tuyên bố có thể thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, cho rằng một ngày nào đó phương pháp này sẽ tạo ra sự bất tử.
Vị bác sĩ và những người ủng hộ khẳng định ca cấy ghép có thể giúp những người mắc các bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ thể, như teo cơ tuỷ sống hoặc không may bị liệt như ông Wang.
Giáo sư Abraham Shaked, giám đốc Viện Cấy ghép thuộc Đại học Pennsylvania, nhận định một số khía cạnh của kỹ thuật này là có thể. Theo ông, họ có thể bảo vệ não của người nhận và cơ thể của người hiến trước khi ghép, gắn mạch máu và các cơ, kiểm soát các phản ứng miễn dịch bất lợi. Tuy nhiên, kết nối dây thần kinh của tuỷ sống là điều không thể.
"Ở thời điểm này, tôi sẽ gọi đây là nỗ lực ngu ngốc thay vì điên rồ. Sự điên rồ đồng nghĩa với việc có thể thực hiện được. Nhưng ngu ngốc thì không nên", ông nhấn mạnh.
Nói về việc sử dụng polyethylene glycol để hỗ trợ tái tạo mút dây thần kinh, Shaked mô tả nó giống như việc đường dây cáp điện thoại xuyên Đại Tây Dương bị cắt làm đôi và ai đó muốn nối lại bằng keo Krazy Glue.
"Tôi đã làm làm việc ở Trung Quốc và nước ngoài hơn 30 năm, thực hiện những ca vô cùng phức tạp. Nhưng so với trường hợp này thì không gì để so sánh. Dù có phù hợp với đạo đức hay không, đây cũng là cuộc sống của con người. Không gì quan trọng hơn mạng sống, đó chính là cốt lõi của đạo đức", ông nói.
Giữa làn sóng tranh cãi gat gắt, Wang và gia đình vẫn nuôi hy vọng.
5 năm trước, vợ và con gái phải dùng tay bơm oxy vào phổi cho ông Wang. Giờ ông có máy thở tự động từ tiền quyên góp, nhưng hoá đơn viện phí và thuốc đã ngốn hết sạch tiền tiết kiệm của gia đình.
Gia đình đều biết nếu phẫu thuật thất bại, ông Wang sẽ chết. Nhưng với bà Wang, "một ca phẫu thuật không tưởng có thể chúng tôi".