Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, nhận định thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống “một cuộc đời thực sự ý nghĩa”.
“Cách tốt nhất để tưởng nhớ ngài là tiếp tục thúc đẩy hòa bình trên thế giới”, Dalai Lama tuyên bố, theo Guardian.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến như người khai sinh khái niệm “Phật giáo dấn thân”. Năm 1967, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ Martin Luther King đề cử ông cho giải thưởng Nobel Hòa bình. Ông nhận định không ai xứng đáng hơn “nhà tu hành Phật giáo hòa nhã người Việt Nam này”.
Ảnh hưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn vươn đến cả các công ty công nghệ lớn ở thung lũng Silicon. “Chúng ta đang cảm thấy bị tràn ngập bởi thông tin. Chúng ta không cần nhiều thông tin như thế”, ông nói với các nhân viên của Google năm 2013.
Trong lĩnh vực tâm lý học, cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” của ông là nền tảng của “liệu pháp tâm lý dựa trên chánh niệm”.
“Ông đã đưa ‘chánh niệm’ từ phương Đông sang phương Tây”, giáo sư Mark Williams, người sáng lập Trung tâm Chánh niệm Oxford tại Đại học Oxford, Anh, nhận định.
Người đưa chánh niệm tới phương Tây
Lần đầu tiên giáo sư Williams nghe tới khái niệm “chánh niệm” là từ giáo sư Marsha Linehan tại Đại học Washington, Mỹ. Giáo sư Williams cho biết giáo sư Linehan luôn giữ cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong túi và gọi đây là “kinh thánh” của bà.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ Martin Luther King trong một buổi họp báo tại Chicago, Mỹ năm 1966. Ảnh: AP. |
“Cuốn sách đã gây ảnh hưởng lên bà ấy (giáo sư Linehan - PV). Các công trình và lời khuyên của bà ảnh hưởng tới chúng tôi trong việc tích hợp chánh niệm trong ngăn chặn sự chán nản về tâm lý. Đây được gọi là liệu pháp dựa trên chánh niệm”, giáo sư Williams nói.
Theo giáo sư Williams, nếu không có thiền sư Thích Nhất Hạnh, khái niệm “chánh niệm” khó có thể ảnh hưởng tới phương Tây như hiện nay.
“Điều mà ngài ấy đã làm là truyền đạt và giúp người trên khắp thế giới có thể tiếp cận với những điều căn bản của trí tuệ Phật giáo, cũng như ‘xây một cây cầu nối’ giữa tâm lý học và y học hiện đại với trí tuệ từ thời xưa”, giáo sư Williams khẳng định.
Những người từng gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết sự hiện diện của ông là khác biệt với bất cứ những gì mà họ từng gặp.
Bà Anabel Temple, thành viên một cộng đồng thiền tại London thuộc mạng lưới của thiền sư Thích Nhất Hạnh, lần đầu đọc được những bài giảng của ông trong cuốn sách “Muốn an được an” từ 30 năm trước.
Bà Temple từng cùng thiền sư trở về Việt Nam năm 2005, cũng như từng nhiều lần đến thăm Làng Mai tại Pháp. Trong máy của bà có đầy những bức ảnh về các chuyến đi của “thầy” - cách bà gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh.
“Ngài ấy có một cách thức riêng. Khi bạn đi vào một căn phòng có hàng trăm người đang nghe giảng về Phật pháp, ngài ấy vẫn có khả năng khiến bạn cảm thấy như đang chỉ có riêng bạn trong căn phòng đó, như ngài ấy đang nói trực tiếp với bạn”, bà Temple hồi tưởng.
Con người phi thường
Bà Temple không gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh từ khi ông bị đột quỵ năm 2014. Bốn năm sau, ông trở lại chùa Từ Hiếu để sống những năm tháng cuối đời.
“Thầy thật khiêm tốn, thật uy nghiêm, thật hiện diện”, bà Temple nói. “Thầy vui, giận, buồn. Thầy có sự thích thú với mọi thứ như trẻ thơ mà cũng yên bình và điềm tĩnh với một nhân cách phi thường”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế năm 2020. Ảnh: Guardian. |
Bà Suryagupta, lãnh đạo Trung tâm Phật giáo London, Anh, lần đầu gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Anh 25 năm trước. “Ngài là con người vĩ đại. Tôi thật may mắn khi có cơ hội tu tập với ngài trong những ngày đầu khám phá Phật giáo”, bà kể lại.
“Điều ngạc nhiên là, dù không nói gì, mỗi khi ngài bước vào - đôi khi là những nơi có hàng trăm người - sự hiện diện của ngài đem đến sự tĩnh lặng và thanh bình cho đám đông”, bà Suryagupta chia sẻ. “Cả sự dịu dàng nữa, bạn có thể cảm thấy thư giãn, và bằng cách nào đó nhận thức được sự hiện diện của ngài”.
“Ngài cho thấy ai cũng có thể đến với đạo Phật. Là một phụ nữ da đen, điều này rất quan trọng đối với tôi”, bà Suryagupta nói.
Nhà hoạt động Marianne Williamson, người từng tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “người thầy vĩ đại về tinh thần đã giúp hàng triệu người trên khắp thế giới hiểu sâu hơn về giáo lý đạo Phật và cách ứng dụng vào cuộc sống”.
“Món quà của ngài cho thế giới đầy ý nghĩa, và tôi không nghĩ sẽ giảm đi sau khi ngài mất”, bà Williamson nói. “Tình yêu và lòng trắc ẩn của ngài đã thấm nhuần vào ý thức của hành tinh. Giờ đây, trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục thực hiện”.