“Xu hướng văn hóa đọc trong thời đại 4.0” là tên buổi tọa đàm vừa được dự án" Love Books Love Life" tổ chức ở Hà Nội.
Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên cao cấp của Viện Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương, Hà Nội; ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Waka; bà Yến Nhi, tác giả của hai cuốn sách Ai đã làm tuổi 20 của tôi cô đơn đến vậy? cùng Cứ khóc, cứ tan vỡ và trưởng thành.
Ban tổ chức mong muốn truyền tải sâu sắc thông điệp “Thúc đẩy văn hoá đọc, xây dựng và phát triển thói quen đọc sách, giúp mọi người nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc đọc sách”.
Từ trái qua phải: Anh Nguyễn Ngọc Nam - founder dự án sách Love Books Love Life, bà Yến Nhi - diễn giả sách Self-help, bà Nguyễn Hoàng Ánh - diễn giả sách giấy, ông Đinh Quang Hoàng - diễn giả sách điện tử. Ảnh: BTC. |
Cần có thời gian phát triển văn hóa đọc
Tại buổi talkshow, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng văn hóa Đọc ở nước ta ngày càng phát triển và dành được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Điều đó một phần do sự phát triển của nền kinh tế và trình độ dân trí nói chung, cũng như ngành xuất bản nói riêng.
Cũng theo cô Ánh chia sẻ, khi du học ở nước ngoài vào đầu thập niên 80, cô rất thích thú với thư viện có hàng chục nghìn cuốn sách. Bởi tại thời điểm này ở Việt Nam, bạn đọc rất khó tìm được một cuốn sách hay.
Nguồn sách, tài liệu để học tập và nghiên cứu của sinh viên lúc đó cũng khá ít, chủ yếu dựa vào thư viện của trường. Số lượng bản sách trong thư viện cũng rất khiêm tốn, mọi người thường phải truyền tay nhau đọc.
Cũng như các lĩnh vực khác, việc phát triển văn hóa đọc cần có thời gian. Đối với mỗi cá nhân, thói quen đọc sách và niềm vui khi đọc được một cuốn sách hay phải được nhen nhóm từ khi còn là đứa trẻ. Tương tự như vậy, việc phát triển văn hóa đọc cho một thế hệ, quốc gia, tất nhiên cần có thời gian.
Nhiều nước trên thế giới có nền văn hóa đọc phát triển hơn chúng ta, một phần vì họ có nền tảng từ lâu đời. Hệ thống thư viện và ngành xuất bản cũng phát triển kết hợp với tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách.
Chính vì thế, phát triển văn hóa đọc không phải chuyện một sớm một chiều mà cần phải có các yếu tố về cơ sở hạ tầng nhất định. Đó là chưa kể việc phải có chiến lược đúng đắn, để phát huy và đem lại hiệu quả lâu dài.
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: BTC. |
Sách giấy vẫn chiếm vị trí quan trọng
Trong buổi tọa đàm, nhiều độc giả trẻ đưa ra câu hỏi "Tại sao xuất bản điện tử và sách điện tử chưa phổ biến ở nước ta?"
Để giải đáp thắc mắc này, Giám đốc điều hành của Waka - ông Đinh Quang Hoàng - cho rằng việc phát triển xuất bản điện tử nói chung và sách điện tử nói riêng, ngoài tâm huyết của các đơn vị trong ngành xuất bản, cần nhiều yếu tố khác.
Hiện nay, ở một số vùng nông thôn, miền núi, sóng điện thoại còn yếu, thậm chí mất sóng, người dân không thể kết nối Internet. Ở thành phố, mạng 4G, 5G cũng chưa phát triển. Các yếu tố này ảnh hưởng rất lớn việc phát triển sách điện tử.
Sách giấy và những chương trình mang sách về nông thôn như: “Sách hóa nông thôn” vẫn rất cần thiết. Chúng đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc ở những vùng chưa phát triển về công nghệ viễn thông.
Để phát triển sách điện tử và xuất bản điện tử, chúng ta cần một thời gian nữa, với sự góp sức từ nhiều phía. Khi đó, không chỉ sách điện tử nói riêng có cơ hội được phát triển mà văn hoá Đọc nói chung cũng sẽ ngày một lan tỏa rộng rãi hơn.
Tầm quan trọng của thể loại sách Self-help
Song hành cùng những ý kiến của 2 vị diễn giả trên, tác giả Yến Nhi cũng cho rằng nhờ sự phát triển của Internet và mạng xã hội, độc giả dễ dàng tìm được những đầu sách hay. Nhưng việc đó cũng làm cho những người cầm bút phải chịu không ít áp lực.
Các tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ, phải nỗ lực và trau dồi khả năng viết lách không ngừng, để đáp ứng nhu cầu của độc giả trẻ.
Bên cạnh đó, với tư cách là một diễn giả bàn về sách Self-help, chị cho rằng đây là thể loại sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, bản thân chị cũng khẳng định rằng thể loại Self-help chứa "kinh nghiệm của người viết nhiều nên không bao hàm các kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức học thuật". Và đưa ra quan điểm, câu chuyện của người viết thì chưa chắc đã đúng với người đọc.
Điều này sinh ra hai nhóm đối tượng khác nhau trong quá trình đọc và cảm nhận sách Self-help. Nhóm thứ nhất là những người đọc nhiều sách Self-help. Họ sẽ dễ dàng nhận ra bản chất chung của thể loại này, đó là không thể áp dụng những điều tác giả viết với tất cả đối tượng độc giả. Nhóm thứ hai mang tính chất cực đoan hơn: Họ tẩy chay sách Self-help.
Những người tẩy chay dòng sách Self-help thường bởi họ cảm thấy đây là thể loại sách không mang lại nhiều ý nghĩa, tính giáo huấn cao song áp dụng vào thực tiễn không được nhiều. Hoặc cũng có thể bởi họ cho rằng các cuốn sách thuộc thể loại này thường có "nội dung na ná nhau", đặc biệt là dòng sách của các tác giả Việt Nam viết - trích lời một khán giả tại buổi talkshow nhận xét.