Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Với nỗ lực chung của cả hai bên, Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 12 và 13/12.

Chuyến thăm đánh dấu mốc quan trọng, diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023) và khẳng định mong muốn và quyết tâm của hai nước đưa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc lên một tầm cao mới, tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Quan hệ chính trị ổn định, tích cực

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Trong chặng đường 73 năm qua, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng tình hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung.

Trong chặng đường 73 năm qua, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng tình hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Những năm gần đây, trong bối cảnh môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, song những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt đã giúp thúc đẩy tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Quan hệ hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, có những bước tiến triển mới. Với nỗ lực chung của cả hai bên, Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng.

Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương.

Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.
Ong Tap Can Binh anh 1
Ong Tap Can Binh anh 1

Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 lần điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 1/2020, tháng 9/2020, tháng 2/2021, tháng 9/2021), thăm chính thức Trung Quốc (tháng 10/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 5/2021); Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại-Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư (tháng 6/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính 3 lần điện đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường (tháng 6/2021, tháng 1/2022, tháng 9/2022), điện đàm với Thủ tướng Lý Cường (tháng 4/2023), thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị WEF 14 tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc) (tháng 6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (tháng 9/2023; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh (Trung Quốc) (tháng 10/2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (tháng 12/2023)...

Đặc biệt, gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022. Chuyến thăm đã tạo xung lực mạnh mẽ để hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, tạo nền tảng thuận lợi đưa quan hệ Việt-Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra “Tuyên bố Chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến lễ ký kết 13 văn kiện giữa các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của hai nước…

Năm 2023, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai, giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Các cấp, các ngành, địa phương hai bên cũng tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.

Trên kênh Nhà nước, hai nước tiếp tục hợp tác hiệu quả, thực chất. Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Ðại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các Bộ, ngành như ngoại giao, quốc phòng, công an không ngừng được tăng cường.

Trên tinh thần tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, các phiên họp hằng năm của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (thành lập vào tháng 11/2006) đã phát huy hiệu quả trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định, cân bằng, bền vững.

Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ong Tap Can Binh anh 2
Ong Tap Can Binh anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư liên tục phát triển

Trong những năm qua, hợp tác thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Ong Tap Can Binh anh 3

Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), ta nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc chiếm 17% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 33,5% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Về đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/10/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26,5 tỷ USD.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam: Tập đoàn Wingtech - Nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm 1 dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng 1 dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh; tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư dự án về linh kiện ôtô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 2,9 triệu lượt).

Ong Tap Can Binh anh 4

Đại biểu hai nước Việt Nam- Trung Quốc ấn nút khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt-Trung. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN.

Làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện

Những thành quả trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 73 năm qua là tài sản quý báu của nhân dân hai nước.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn phát triển quan hệ lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, giúp Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho hay trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước sẽ đi sâu trao đổi các định hướng lớn, toàn diện về việc làm sâu sắc và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; phát huy truyền thống giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhằm củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Bài liên quan

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-post914947.vnp

Theo Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm