KMS Healthcare tại Việt Nam có kế hoạch phát triển nhân sự lên đến 1.000 nhân viên và mức tăng trưởng doanh thu hơn 30%.
“Công nghệ chăm sóc sức khỏe đang phát triển rất nhanh. Ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe có thị trường rất lớn với giá trị 200-300 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% mỗi năm”, ông Mikael Öhman, Giám đốc điều hành KMS Healthcare mở đầu cuộc trò chuyện bằng những con số ấn tượng về xu hướng áp dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Sự kiện "Landing in Vietnam" ngày 30/9 đánh dấu cột mốc đầu tiên tại Việt Nam của công ty KMS Healthcare, chính thức công bố vận hành trung tâm phát triển dịch vụ phần mềm tại Việt Nam với đội ngũ hiện tại gần 400 kỹ sư và chuyên viên phát triển phần mềm, làm việc tại 2 văn phòng TP.HCM và Đà Nẵng.
Thành lập năm 2009, KMS hiện tại có hơn 1.500 nhân viên cung cấp dịch vụ tư vấn và phát triển phần mềm với trụ sở tại Hoa Kỳ với các trung tâm phát triển chính tại Việt Nam. Xuyên suốt 13 năm hoạt động, KMS được tín nhiệm toàn cầu về chất lượng vượt trội của các dịch vụ phần mềm, sản phẩm, giải pháp công nghệ và chuyên môn của kỹ sư người Việt.
Là thành viên mới nhất trong số các công ty KMS, KMS Healthcare tập trung mang đến giải pháp công nghệ và ứng dụng phần mềm tiên tiến, giải quyết những bài toán thách thức về vận hành lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế.
KMS Healthcare công bố mở rộng đội ngũ kỹ sư và trung tâm phát triển tại Việt Nam. Không chỉ phục vụ hoạt động kinh doanh ở Mỹ, chi nhánh của KMS Healthcare đặt mục tiêu tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao, đóng góp vào ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trong tương lai gần.
Theo ông Mikael, công nghệ phần mềm được ứng dụng ở nhiều khía cạnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Từ hoạt động đơn giản như đặt lịch khám, thanh toán, quản lý bệnh án đến những công việc phức tạp như phát hiện bệnh, phân tích rủi ro sức khỏe bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
“Thị trường health-tech tại Mỹ đang phát triển ổn định với nhiều tên tuổi lớn, cùng rất nhiều cải tiến mới. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nguồn tài trợ vào công nghệ chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ trong 5 năm qua; năm nay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. Đây là cơ hội cho KMS Healthcare mở rộng và phát triển”, CEO KMS Healthcare chia sẻ.
Tại thị trường Mỹ, KMS Healthcare đã làm việc với hơn 46 nền tảng công nghệ chăm sóc sức khỏe, khách hàng của công ty bao gồm những doanh nghiệp khoa học, các phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm thuốc với quy mô lớn.
Các nền tảng giải pháp do KMS Healthcare phát triển đang quản lý dữ liệu hơn 334 triệu bệnh nhân, 100 triệu lượt thăm khám được ghi nhận và quản lý. Doanh thu mỗi năm của KMS Healthcare tăng trưởng 30%.
KMS không phải “tay chơi mới nổi” trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe. KMS Technology (công ty đầu tiên của KMS) đã làm việc với các công ty chăm sóc sức khỏe từ khi mới thành lập và tích lũy lượng kinh nghiệm đáng kể. Nhiều khách hàng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đã tin tưởng hợp tác với KMS trong hơn 10 năm qua.
“Chúng tôi đã ấp ủ ý định thành lập trung tâm phát triển phần mềm KMS Healthcare từ 2 năm trước, kết hợp những người có kiến thức về chăm sóc sức khỏe với lớp kỹ sư phần mềm tài năng để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới”, ông Mikael chia sẻ.
Nói về lý do mở rộng đội ngũ nhân sự tại Việt Nam, ông Bùi Viết Thanh Phong, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của KMS Healthcare chia sẻ những lợi thế về mặt con người và công nghệ của Việt Nam so với những quốc gia trong khu vực.
"Việt Nam có nhiều trường đại học đào tạo công nghệ thông tin, lực lượng nhân sự dồi dào và chất lượng. Điểm mạnh của họ là khả năng học hỏi và thích ứng nhanh, bên cạnh văn hóa cởi mở, sẵn sàng hợp tác", ông Phong chia sẻ.
Sự thay đổi về phân bổ dân số theo độ tuổi, kinh tế phát triển nâng cao mức thu nhập ở tầm trung và cao cấp, tình trạng các bệnh mạn tính ngày càng tăng đã, đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khoẻ dài hạn.
Ngành health-tech tại Việt Nam và các nước đang phát triển hiện trong giai đoạn đầu hội nhập cùng các quốc gia tiên phong như Mỹ hoặc ở châu Âu. Có thể thấy rõ, còn nhiều cơ hội lớn cho các dịch vụ và sản phẩm ngành health-tech trong thị trường Việt Nam với hàng trăm triệu dân đang phát triển nhanh chóng.
“Thách thức đầu tiên của chúng tôi là kiến thức về vận hành hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam còn hạn chế. Để giải quyết điều này, chúng tôi có những khóa đào tạo kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho lớp nhân sự vốn chỉ được dạy về công nghệ thông tin. Thách thức tiếp theo thiên về tư duy ứng dụng. Chưa nhiều người hình dung công nghệ được áp dụng vào chăm sóc sức khỏe như thế nào”, ông Phong nhận định.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà KMS Healthcare chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Với chiến lược sử dụng nguồn lực là người Việt, làm việc trực tiếp với khách hàng tại Mỹ, lãnh đạo KMS Healthcare kỳ vọng sẽ sớm mang những sản phẩm, kinh nghiệm tích lũy để đóng góp vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế tại Việt Nam trong những năm tới.
“Những người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe sẽ nhận ra ý nghĩa to lớn của công việc, khi có thể hỗ trợ chẩn đoán sớm, thậm chí cứu mạng người dù theo cách trực tiếp hay gián tiếp. Ước mơ của tất cả chúng tôi là áp dụng công nghệ hiện đại vào các giải pháp chăm sóc sức khỏe để phục vụ ngành y tế.
Chúng tôi có kế hoạch mở rộng kinh doanh của KMS Healthcare tại Việt Nam, góp phần ứng dụng công nghệ vào các hoạt động y tế trong nước. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, và luôn là môi trường tiềm năng cho các công ty phần mềm nội địa phát triển”, giám đốc quốc gia KMS Healthcare tại Việt Nam chia sẻ.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng quốc tế cho các kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trong số đó bao gồm các lãnh đạo cấp cao, quản lý, kiến trúc sư giải pháp và một số kỹ sư phần mềm chuyên về chăm sóc sức khỏe. Kết hợp lớp nhân sự tại Việt Nam cùng thị trường công nghệ phát triển ở Mỹ, KMS Healthcare có thể tạo ra cơ hội lớn để cải thiện ngành chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trong tương lai gần”, ông Phong cho biết.
Đồng quan điểm, ông Mikael chia sẻ tác động tích cực của lĩnh vực KMS Healthcare đang hoạt động: Góp phần hạn chế nguy cơ tử vong, nhận diện và xử lý các cơn đột quỵ khẩn cấp; vấn đề thách thức y khoa như khả năng tương tác dữ liệu y tế, quá trình nghiên cứu thuốc nhanh hơn để đưa ra thị trường, phân tích bệnh án, quyết định điều trị dựa trên AI, thăm khám từ xa, từ đó góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Với văn hóa làm việc cởi mở, lãnh đạo KMS Healthcare đặt ra 3 chiến lược chính để thu hút và duy trì đội ngũ nhân sự tại Việt Nam.
Thứ nhất là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mức tăng trưởng 20-30% hàng năm sẽ tạo ra rất nhiều vị trí từ lãnh đạo cấp cao, quản lý, đến các vị trí kỹ sư giải pháp và tư vấn phần mềm. Mang đến cho tất cả nhân viên cơ hội làm và học hỏi cùng những kỹ sư tài năng trong một môi trường mà mọi thành công đều đáng tự hào.
Thứ hai là công việc ý nghĩa. Nhân viên tham gia dự án phần mềm chăm sóc sức khoẻ và y tế của khách hàng thế giới, phát triển các các hệ thống y khoa với dữ liệu bệnh án hàng triệu bệnh nhân, tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực cho chất lượng sống của cộng đồng.
Thứ ba là phúc lợi nhân viên và mức lương cạnh tranh, đi liền với việc kinh doanh đang phát triển nhanh chóng cùng các giá trị tạo ra, hỗ trợ nhân viên cũng như người thân chăm lo cuộc sống cân bằng, an tâm hơn.
Tận dụng thế mạnh công nghệ và kinh nghiệm thực hiện các dự án chăm sóc sức khoẻ và y tế, KMS Healthcare sẵn sàng hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, tham gia cùng cộng đồng trong các dự án hỗ trợ nâng cao cải thiện chất lượng cuộc sống, dịch vụ y tế cộng đồng. “Điều này nhằm chung tay đem lại những trải nghiệm sống đầy đủ, cân bằng và khoẻ mạnh hơn, cách riêng cho Việt Nam - nơi chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên nòng cốt nhất”, ông Phong khẳng định.
Với tầm nhìn chiến lược cùng những giá trị đang tạo ra, lãnh đạo KMS Healthcare kỳ vọng việc thành lập đội ngũ phát triển tại Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm mới. Từ đó, tạo ra cơ hội để công ty xây dựng quan hệ sâu rộng với các chuyên gia, khách hàng trong lĩnh vực, đóng góp vào sứ mệnh cải thiện chất lượng đời sống cộng đồng.