Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển đô thị hướng sông, tạo đột phá giao thông thủy ở TP.HCM

Nhiều tiềm năng sông nước, nhưng TP.HCM chưa thể phát triển giao thông đường thủy, du lịch sông kém thu hút vì nhiều bất cập về cơ chế, vốn, đầu tư hạ tầng.

Buýt sông Sài Gòn đêm tại bến Bạch Đằng (quận 1). Ảnh: Chí Hùng.

"Sông Sài Gòn uốn quanh trung tâm thành phố, đi qua nhiều di tích văn hóa dọc hai bên bờ sông. Đây là tiềm năng rất lớn để TP.HCM phát triển đô thị ven sông - đô thị hướng sông", PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, gợi mở tại Hội nghị về phát triển du lịch đường thủy, ngày 14/12.

Theo ông Tuấn, như Nhật Bản, Pháp, châu Âu đã đi trước, dọc tuyến đường ven sông ở các quốc gia này được phát triển thành không gian dành cho người dân chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền và thậm chí cắm trại. Trong khi đó, TP.HCM đứng trước cơ hội lớn để phát triển giao thông đường thủy, đặc biệt là vận tải hành khách đường thủy, kết hợp du lịch bền vững.

Dẫn chứng, PGS Vũ Anh Tuấn cho biết nhiều quốc gia trên thế giới phát triển rất tốt vận tải hành khách đường thủy như Ý (Venice) ; Thổ Nhĩ Kỳ (Istanbul); Mỹ (Seatle)…

Mỗi năm, vận tải hành khách đường thủy ở thành phố trên có thể chuyên chở trên 600.000 hành khách. "Như vậy mỗi chuyến có thể chuyên chở bằng 4-5 tuyến xe buýt", ông Tuấn so sánh.

ben thuy anh 1

Sông Sài Gòn trải dọc khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Vũ Anh Tuấn nhận định thành phố đang có cơ hội khi đã đưa vào khai thác hai tuyến buýt sông tiền đề số 1 và 2, trong tương lai, các tuyến này có thể được nhân rộng. Và ngoài để phục vụ khách du lịch, buýt sông còn có thể dùng chuyên chở thêm người dân địa phương đi học, đi làm để tăng cường vai trò giao thông đường thủy, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống giao thông đường thủy và hạ tầng loại hình này tại TP.HCM hiện còn nhiều hạn chế.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An, TP.HCM hiện có 913 km đường thủy, tương đương 50% tỷ lệ đường bộ (khoảng 2.000 km). Sau 2 năm đại dịch, đường thủy được tái khởi động, đa dạng sản phẩm du lịch đường thủy, song vẫn chưa xứng tiềm năng.

Theo ông An, khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển giao thông đường thủy là đến nay, quy hoạch ngành bến thủy nội địa vẫn chưa có.

"Có nhiều bến tồn tại từ trước 1975, đáp ứng nhu cầu địa phương nhưng do chúng ta chưa xác định được quy hoạch, lửng lơ nên các bến đang hoạt động từ trước đến nay lại trở thành không phép", ông An nói.

Về khó khăn khác, ông Bùi Hòa An cho hay cơ chế giao, thuê đất xây bến thủy nội địa cũng chưa có; quỹ đất dùng đầu tư xây dựng bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ khách du lịch còn hạn chế... Về hạ tầng cho bến bãi, bến thủy nội địa hiện chỉ có tàu bến, những công trình phụ trợ trên bờ lại thuộc phạm vi hành lang bờ sông, rạch nên không thể triển khai.

Ông An cho hay một bến ít nhất phải có một nhà chờ, nhà vệ sinh, cao cấp hơn là bãi đậu xe để người dân chuyển đổi phương tiện hoặc kết nối giao thông đường bộ, giao thông công cộng sau khi đi buýt thủy.

"Nhưng thành phố chưa có, thậm chí chưa có một đường xi măng đi từ bến sông lên đường bộ", ông Bùi Hòa An nêu và cho rằng điều này đã làm hạn chế tiềm năng du lịch sông ngòi của TP.HCM.

ben thuy anh 2

Công viên Bến nhà Rồng nằm dưới chân cầu Khánh Hội (quận 1). Ảnh: Quỳnh Danh.

Từ đó, lãnh đạo Sở GTVT kiến nghị UBND TP Thủ Đức và các địa phương cập nhật, phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa nêu trên vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai dự án chuyển đổi công năng, khai thác khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội trở thành bến du lịch tại trung tâm, với hạ tầng hiện đại.

Đồng thời, Sở GTVT cũng đề xuất TP.HCM có cơ chế, chính sách về giao, cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy.

Sau khi nghe các đóng góp, kiến nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TP.HCM rất tâm huyết phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở GTVT, Sở Du lịch TP.HCM tổng hợp lại toàn bộ đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp báo cáo UBND TP.HCM; đồng thời đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để khai thác hiệu quả vận tải thủy, du lịch thủy trong thời gian tới.

Những cuốn sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.

Lời giải cho bến thủy Saigon Pearl bị 'lãng quên' nhiều năm

Cùng với việc phá tường, thông đường ven sông Sài Gòn, bến thủy Saigon Pearl có mối quan hệ sinh thái gắn kết đường bộ, làm nhiệm vụ nối kết vùng đô thị và thu hút du khách.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm