Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh gặp sự cố

Mini Magazine

Lời giải cho bến thủy Saigon Pearl bị 'lãng quên' nhiều năm

Cùng với việc phá tường, thông đường ven sông Sài Gòn, bến thủy Saigon Pearl có mối quan hệ sinh thái gắn kết đường bộ, làm nhiệm vụ nối kết vùng đô thị và thu hút du khách.

ben thuy Saigon Pearl anh 1

Nằm trong hành lang bờ sông Sài Gòn, đối diện khu dân cư Saigon Pearl và bức tường giữa 2 khu dân cư là một trong 9 bến thủy thuộc tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Và dù tuyến buýt đã đưa vào khai thác hơn 5 năm, bến Saigon Pearl đến nay vẫn chỉ là dự án “trên giấy”.

Trong bối cảnh UBND TP.HCM muốn thông tuyến đường ven sông, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng việc sớm xây bến thủy Saigon Pearl là điều cần thiết. Công trình này không chỉ đóng vai trò nối kết giữa vùng đô thị xung quanh, mà còn làm tăng sự đa dạng cho mối quan hệ sinh thái tuyến đường bộ sắp mở mới.

Người dân được hưởng lợi

Bến thủy Saigon Pearl có diện tích mặt nước khoảng 1.000 m2, quy mô nhà chờ 80 m2 cùng các hạng mục khác. Phần đất bến thủy này hiện do Công TNHH MTV Đầu tư và phát triển giáo dục SSG thuê để thực hiện theo quy hoạch và giao cho thành phố quản lý từ năm 2013.

Tuy nhiên, công ty này từng báo cáo cơ quan chức năng do chưa hoàn chỉnh hạ tầng nên chưa thể bàn giao. Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị không xây bến Saigon Pearl tại vị trí này do khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến trường học Mùa Xuân (Wellspring).

Xây bến thủy, dân cư Saigon Pearl và Vinhomes Central Park được hưởng lợi, giá trị dự án được nâng lên.

TS Võ Kim Cương

Khẳng định lần nữa về việc xây dựng bến thủy Saigon Pearl là điều cần thiết, TS Võ Kim Cương cho rằng chủ đầu tư 2 khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes Central Park cũng hoàn toàn được hưởng lợi. Theo đó, ngoài giá trị dự án được nâng lên, cư dân liền kề khu vực này sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để vào trung tâm thành phố.

“Không chỉ vậy, điều này còn thu hút người dân địa phương ở nơi khác, du khách quốc tế đến. Họ có thể đi bằng đường thủy qua lại giữa 2 bờ, tăng hoạt động sông nước, ngắm cảnh, góp phần phát triển kinh tế du lịch cho địa phương”, TS Võ Kim Cương nói.

ben thuy Saigon Pearl anh 2

Đoạn cuối đường Trần Trọng Kim của khu đô thị Vinhomes Central Park đang bị ngăn cách bởi một bức tường với dự án Saigon Pearl, đối diện là bến thủy nội địa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ 24/6/2004 (Quyết định 150), chiều rộng hành lang bờ sông tính từ ranh quy hoạch mép bờ cao phải từ 30 m đến 50 m.

Trên thực tế, một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại quận 2 cũ (TP Thủ Đức) có chiều rộng hành lang bờ sông tính từ ranh quy hoạch mép bờ cao hiện chỉ khoảng 7,5 m, 10 m, 15 m.

Tuy nhiên, do không gian hành lang bảo vệ sông Sài Gòn qua thời gian dài, được quy định bởi nhiều cơ sở pháp lý, nhiều giai đoạn, có nhiều điểm chưa thống nhất; đồng thời, việc quy định chiều rộng hành lang bảo vệ sông chưa đủ linh hoạt, chưa tạo được tính kết nối về mặt không gian đô thị và chưa kích hoạt được các hoạt động tương tác với dòng sông, dẫn đến việc khai thác giá trị sông Sài Gòn còn nhiều hạn chế.

ben thuy Saigon Pearl anh 3

Vị trí bến thủy Saigon Pearl chưa được xây dựng, nằm cạnh bức tường chắn giữa 2 khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes Central Park. Đồ họa: Zing News.

Nhìn nhận điều này, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng vị trí quy hoạch bến thủy Saigon Pearl là hợp lý.

“TP.HCM được gọi là đô thị sông nước thì sông nước ở đây phải tận dụng, sử dụng được. Giao thông đường bộ, đường thủy phải được kết nối với nhau mới đa dạng và hài hòa”, KTS Khương Văn Mười phân tích.

Giao thông đường bộ, đường thủy phải được kết nối với nhau mới đa dạng và hài hòa.

KTS Khương Văn Mười

Theo KTS Khương Văn Mười, toàn bộ dải công viên và tuyến đường ven sông Sài Gòn là một chỉnh thể không gian công cộng. Khi có bến thủy, hơn 17.000 hộ dân tại khu vực này nói riêng và người dân tại TP.HCM nói chung sẽ có thêm một điểm đến vui chơi.

Việc hoàn thiện và nối kết không gian này sẽ cho thấy sự đầu tư, phục vụ cộng đồng của các nhà đầu tư rất nhân văn, đáng quý. Mặt khác, giá trị khu dân cư tại khu vực được tăng lên, thành phố sẽ có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thông suốt.

Bổ sung điều chỉnh quy hoạch

Sau động thái của thành phố về việc rà soát pháp lý dọc đường ven sông, UBND quận Bình Thạnh hôm 7/11 có công văn gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP về việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đối với bến thủy nội địa bến Saigon Pearl.

Chính quyền quận Bình Thạnh cho biết qua rà soát, vị trí khu đất bến Saigon Pearl hiện chưa được cập nhật vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha). Do đó, quận kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thẩm định điều chỉnh, bổ sung vào đồ án và quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm 930 ha.

Riêng tuyến đường ven sông, nối từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm đã nằm trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 quy hoạch phân khu khu trung tâm 930 ha. Tuyến đường này nằm tách biệt giữa trường Wellspring và bến Saigon Pearl.

Dân mong thông tường ngăn Saigon Pearl, xe cộ chạy trật tự Khi phá bức tường ngăn giữa Vinhomes Central Park và Saigon Pearl, cư dân cho rằng sẽ thuận lợi hơn trong lưu thông, nhưng mong xe cộ chạy trật tự.

Từ góc độ này, TS Võ Kim Cương cho rằng có 2 vấn đề trong quy hoạch cần xem xét. Đối với tuyến đường thủy, quy hoạch sẽ yêu cầu định ra các bến đỗ của tàu, các vấn đề giao thông kết nối bến, hoạt động phía trên bến…

Thứ hai, đối với quy hoạch các công trình phía trên bờ, với những công trình đã được thuê đất và cần điều chỉnh, cơ quan chức năng sẽ cần xem lại pháp lý để điều chỉnh quy hoạch và tùy thuộc vào trường hợp sẽ có những ưu tiên nhất định.

Hệ thống giao thông phải có tính đồng bộ và liên tục.

TS Võ Kim Cương

Đặt vấn đề giả sử phần đất đã được doanh nghiệp thuê, chuyên gia khẳng định kể cả khi trên phần đất đã có một công trình được xây dựng, việc xuất hiện một công trình giao thông cần thiết đi qua, thì công trình đó vẫn bị giải tỏa.

“Vì công trình là cục bộ, hệ thống giao thông phải có tính đồng bộ và liên tục”, TS Võ Kim Cương lý giải và cho biết theo quy trình trong trường hợp kể trên, thành phố sẽ ra quyết định thu hồi đất và giải quyết bồi thường, giải tỏa.

Do đó, để có tuyến đường ven sông đi qua cùng việc xây dựng bến thủy Saigon Pearl, chuyên gia cho rằng kể cả gặp phải khó khăn như trên vẫn có thể điều chỉnh quy hoạch. Song, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ cần cân nhắc kỹ và chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết.

ben thuy Saigon Pearl anh 4

Bến thủy Saigon Pearl thuộc tuyến buýt thủy số 1 (lộ trình 10,8 km), đối diện khu dân cư Saigon Pearl chưa được xây dựng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hôm 4/11, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan khẩn trương làm việc với chủ đầu tư 2 dự án Saigon Pearl và Vinhomes Central Park để xem xét phá dỡ bức tường chắn tại đây.

Việc gỡ bỏ bức tường được thành phố nhắm đến với mục đích mở ra tuyến đường ven sông theo quy hoạch, có thêm lựa chọn đi lại cho người dân trong bối cảnh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cấm phương tiện để sửa chữa và đặc biệt giải tỏa tình trạng quá tải xe đổ về khu trung tâm qua đường Điện Biên Phủ suốt thời gian qua.

Đến nay, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư 2 dự án khu dân cư cao cấp trên đang rà soát pháp lý các khu đất để đưa ra thời gian thực hiện đầu việc này.

Những cuốn sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.

TP.HCM cần khoản tiền lớn khi mở đường ven sông

Khi tuyến đường ven sông Sài Gòn khơi thông, dải công viên dọc bờ được bàn giao về chính quyền, TP.HCM cần tính đến bài toán quản lý và khoản chi phí rất lớn để duy tu, bảo dưỡng.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh gặp sự cố

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm