Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Phát triển Đảng trong nhóm trung lưu và người giàu ở Việt Nam

Để thu hút những người thuộc nhóm trung lưu và giàu có vào Đảng, cần có môi trường cho họ rèn luyện và tu dưỡng. Bí thư chi bộ ở cơ sở cũng phải đóng vai trò phát hiện.

Để thu hút được những người thuộc nhóm trung lưu và giàu có vào Đảng, cần tạo môi trường cho họ rèn luyện và tu dưỡng. Bí thư chi bộ ở cơ sở cũng phải đóng vai trò phát hiện, định hướng.

Bà Phạm Thị Lâm - Bí thư chi bộ Đảng cụm dân cư số 11 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cho biết độ tuổi đảng viên ở chi bộ này đã lên tới 60-65 tuổi. “Chúng tôi rất khó khăn tìm nguồn mới để kết nạp”, bà Lâm chia sẻ.

Phường Vĩnh Tuy là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất quận Hai Bà Trưng những năm qua. Trước kia, khu vực này được biết đến với nhiều nhà máy cũ, xí nghiệp, thậm chí là đồng ruộng, ao hồ.

Ngày nay, địa bàn này có nhiều khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội, giá bán thuộc hàng cao cấp như Times City hay Imperia Sky Garden. Những con đường đã được mở rộng hơn và sầm uất, hai bên là các cửa hàng kinh doanh nhộn nhịp.

Nhiều người nói rằng phường Vĩnh Tuy đang là một trong những nơi tập trung nhiều “người giàu” nhất ở Hà Nội. Tuy vậy, nghịch lý là việc phát triển Đảng ở nhiều cụm dân cư thuộc phường này đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng nhóm dân số trung lưu, khá giả nhanh nhất thế giới. Dự báo, nhóm trung lưu sẽ đạt khoảng 50 triệu người trong 25 năm tới.

Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập được cải thiện, nhóm khá giả tăng lên thì việc phát triển Đảng trong nhóm này đang là vấn đề thực tiễn đặt ra cho nhiều chi bộ trên cả nước, không chỉ riêng ở phường Vĩnh Tuy.

“Chúng tôi cứ nghĩ ở vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó phát triển Đảng. Nhưng ngay ở trung tâm thành phố lớn, những địa bàn tập trung nhiều người dân thuộc nhóm khá giả cũng đang gặp khó trong việc phát triển Đảng viên mới”, bà Đàm Thị Minh Phương - Bí thư Đảng ủy phường Đông Khê (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) - chia sẻ.

Phường Đông Khê thuộc quận trung tâm Ngô Quyền của Hải Phòng những năm gần đây phát triển nhanh chóng, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực logistics, sản xuất hàng hóa.

Trục “xương sống” của phường là đường nối trung tâm thành phố với sân bay Cát Bi. Trong tương lai, trung tâm hành chính mới của quận Ngô Quyền sẽ chuyển về địa bàn phường này.

Theo tính toán, thu nhập bình quân của người dân Hải Phòng nói chung vào khoảng 140 triệu đồng/năm, gấp khoảng 1,6 lần mức trung bình của cả nước. Chiếm một phần không nhỏ là những người thuộc nhóm khá giả, trung lưu.

Tuy vậy, Bí thư Đàm Thị Minh Phương nói rằng những năm gần đây, Đảng bộ kết nạp không nhiều Đảng viên mới, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên. Rất ít người thuộc các nhóm người kinh doanh, lao động tự do, kỹ sư hay doanh nhân… Nhiều người làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội nhưng lại không mặn mà vào Đảng.

Tương tự, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Ban tổ chức Thành ủy cho biết nguồn phát triển Đảng viên chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên thanh niên ở khu phố mà hiện nay lực lượng này đang ngày càng ít dần. Trong khi những người thuộc nhóm khá giả, trung lưu, làm việc tự do trên địa bàn lại mong muốn có thời gian tập trung làm ăn kinh doanh, không thể dành thời gian để tham gia công tác Đảng.

Tại thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Phương nói rằng khi người dân thu nhập ngày càng cao lên, tốc độ đô thị hóa nhanh, thì có một nghịch lý là việc phát triển Đảng lại càng khó.

Những năm gần đây, Bắc Giang luôn có tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm đầu cả nước, năm ngoái GRDP tăng 13,02%. Một trong những trung tâm phát triển mới là huyện Việt Yên, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, với hàng chục nghìn công nhân, chuyên gia.

Bởi vậy, tốc độ đô thị hóa của thị trấn Bích Động, thủ phủ huyện Việt Yên, cũng thuộc hàng nhanh nhất Bắc Giang. Không chỉ công nhân, nhiều chuyên gia, kỹ sư, lao động tay nghề cao cũng đến Bích Động sinh sống và làm việc.

“Có những chi bộ có tuổi đời trung bình trên 60 là thực trạng của chúng tôi. Khi kinh tế phát triển, việc phát triển Đảng viên mới khó khăn hơn cảnh nông thôn trước kia”, ông Phương chia sẻ.

Bí thư lý giải sau khi công nghiệp phát triển tại địa phương, phần lớn dân cư chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Do đó, nhiều người dân chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế, thời gian tham gia các hoạt động đoàn thể ngày càng giảm đi.

Trong khi các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh… lại là những nơi bồi dưỡng, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

“Theo quy định, hàng tháng, đảng viên phải sinh hoạt Đảng ít nhất một lần. Trong khi tại nhiều doanh nghiệp, ngày sinh hoạt lại không thể nghỉ làm. Nếu Đảng viên nghỉ thì bị trừ điểm chuyên cần, trừ lương làm việc ngày hôm đó, lên tới hàng triệu đồng", ông Phương kể.

"Điều này đặt ra một bài toán cho mỗi Đảng viên là kinh tế hay là chính trị. Đây là vấn đề khó khăn đang tồn tại trong vấn đề phát triển Đảng ở địa phương chúng tôi”, ông Phương chia sẻ.

Theo chuyên gia Bùi Quang Hiệp, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chưa có một thống kê nào về số Đảng viên có thuộc nhóm trung lưu, cũng chưa có thống kê bao nhiêu người thuộc nhóm trung lưu đã kết nạp Đảng.

Nếu nhìn vào nhóm trung lưu là các doanh nhân, nhân viên công ty, nhóm dân doanh và các tiểu thương, những người làm việc trình độ cao bên ngoài khối Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nhóm này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, có một thực trạng là việc xây dựng Đảng ở nhiều nơi kinh tế phát triển đang gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển Đảng trong nhóm dân số ngày càng khá giả là vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

PGS TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng nhóm trung lưu hiện nay rất đa dạng, và thậm chí rất trẻ. Họ có thể là một người làm tự do, chủ cửa hàng dân doanh, chủ một trang trại, một chuyên gia trang điểm, một người viết phần mềm tại nhà, hay thậm chí là một YouTuber (người sản xuất nội dung trên mạng xã hội)…

Tầng lớp trung lưu tăng lên cho thấy kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển. Số lượng tầng lớp trung lưu sẽ lên tới hàng chục triệu người, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, tiêu dùng, dẫn dắt nền kinh tế.

Ông cho rằng với số lượng lớn như vậy, việc phát triển Đảng trong nhóm dân cư này là một vấn đề thực tiễn đang đặt ra và cần có sự quan tâm đúng mức.

Là người có nhiều năm làm công tác tổ chức, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương - nhắc lại thời kỳ Cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất tin tưởng và trọng dụng những nhà tư sản dân tộc, nhà trí thức thời đó.

Nhiều người trong số họ sau khi đi theo cách mạng, được giác ngộ lý tưởng rồi đứng trong hàng ngũ của Đảng, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Bởi vậy ông cho rằng ở mỗi thời kỳ đều có những đặc điểm và bối cảnh riêng. Ngày nay khi đất nước ngày càng phát triển, người dân ngày càng khá giả, thì việc phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, đặc biệt là những người thuộc nhóm khá giả để đứng vào hàng ngũ của Đảng là vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Vị nguyên phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng nhiều người thuộc nhóm khả giả là những người làm kinh tế giỏi, đã khẳng định được địa vị xã hội, nhiều người có kiến thức, được đào tạo bài bản, có lý tưởng sống… Do vậy, nếu phát hiện, bồi dưỡng những người này phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng thì giống như tìm được người tài, giúp ích nhiều hơn cho Đảng, cho đất nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Vinh - Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hải Phòng - cho rằng việc thu hút người thuộc nhóm khá giả sẽ giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở cơ sở; giúp đóng góp về trí tuệ, kinh tế; giúp hiến kế, đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, giúp ích nhiều hơn cho xã hội.

Tuy nhiên, chuyên gia về xây dựng Đảng Bùi Quang Hiệp nhận định để một người xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng thì cần phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân, chứ không thể ngày một, ngày hai.

Do đó, việc đầu tiên để phát triển đảng trong nhóm khá giả, trung lưu… là thu hút họ tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở nơi làm việc, hoạt động, sinh sống như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… các tổ chức xã hội, doanh nghiêp, hội nghề nghiệp… nơi có tổ chức Đảng được thành lập.

Thông qua các tổ chức hội đó, chi bộ, cấp ủy mới có cơ hội, phát hiện, những người có mong muốn phấn đấu về chính trị, có lý tưởng, từ đó rèn luyện, bồi dưỡng. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng việc đổi mới, nâng cao nhận thức và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể là vấn đề cần phải bàn tới nếu muốn thu hút được nhóm dân cư trung lưu trong xã hội.

phat trien dang trong tang lop trung luu va kha gia anh 1

Ông thẳng thắn cho rằng ở đâu đó, nhiều tổ chức đoàn thể còn chưa hấp dẫn chính người dân ở khu vực đó tham gia, chính người lao động, nhân viên trong tổ chức mình có ý thức và khơi dậy nhu cầu phấn đấu cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng cộng sản.

Vị chuyên gia nhấn mạnh để một người xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng thì cần phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân, chứ không thể ngày một, ngày hai. Do đó, việc đầu tiên để phát triển Đảng trong nhóm khá giả, trung lưu… là thu hút họ tham gia các tổ chức chính trị, đoàn thể ở cơ sở như mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân…

Là người ở cấp cơ sở, Dương Văn Phương - Bí thư Đảng ủy thị trấn Bích Động - hoàn toàn đồng tình với việc phải nâng cao hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, như vậy mới giúp phát triển Đảng viên mới.

Ông Phương cho biết ngoài những tổ chức đoàn thể hiện có như hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên… sắp tới, huyện Việt Yên sẽ xin phép Tỉnh ủy thành lập một chi bộ Đảng khối doanh nghiệp. Chi bộ này sẽ giúp tập hợp và phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp.

Chi bộ này sẽ giúp tập hợp các tầng lớp doanh nhân, kỹ sư, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp của huyện.

Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - chia sẻ hội tập hợp tới hơn 10.000 thành viên là các doanh nhân trẻ trên cả nước. Trong đó, rất nhiều người bày tỏ mong muốn được rèn luyện, phấn đầu vào Đảng để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Ông Hồng Anh cho biết Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã luôn đổi mới cách thức hoạt động, để các thành viên cảm thấy đây là một môi trường tốt để chia sẻ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển, để các doanh nhân trẻ cảm thấy hấp dẫn để hoạt động.

Một tín hiệu vui là nhiều chi bộ Đảng của hội doanh nhân trẻ ở các tỉnh đã được thành lập trong thời gian gần đây, cho thấy sự thành công bước đầu của công tác phát triển Đảng trong đội ngũ này.

Hồ hởi kể lại những lễ kết nạp Đảng viên mới 2 năm gần đây, ông Đặng Hoảng Bảo, Bí thư chi bộ Đảng tại Công ty cổ phần sữa TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An), thuộc tên từng người, nhớ rõ họ đã vươn lên trong công việc ra sao và được bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo mới nào. Người đã trở thành phó giám đốc Dalat Milk, người đã là giám đốc chi nhánh ở Cao Bằng, An Giang…

Ông nói rằng để giác ngộ một cán bộ bình thường đã khó, nhưng để một cán bộ quản lý “mặn mà” với việc vào Đảng lại càng khó hơn. “Sẽ có người đặt câu hỏi tôi có thu nhập cao, công việc ổn định tại sao tôi phải vào Đảng. Trong khi ở doanh nghiệp tư nhân thì quyền quyết định nằm trong tay hội đồng quản trị và ban giám đốc”, ông Bảo kể lại.

Tuy nhiên, ông nói rằng điều may mắn là nhiều cán bộ lãnh đạo ở Tập đoàn TH thấy được lý tưởng của mình, ngày càng có ý thức chính trị, họ mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho xã hội, cho doanh nghiệp bằng việc phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Và để làm được việc này, ông Bảo cho rằng vai trò của bí thư chi bộ ở cơ sở là rất quan trọng. Bản thân ông đã dành nhiều công sức nắm bắt tâm tư, trao đổi, khuyến khích, tạo điều kiện… cho từng người.

“Tôi tìm hiểu gia cảnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người. Tôi biết ai đã từng rèn luyện từ hồi đi học, ai có mong muốn, ai có gia đình truyền thống cách mạng…”, ông Bảo nói và cho biết thường xuyên tổ chức các hoạt động để mọi người hiểu hơn về Đảng, về tổ chức và tạo sức mạnh đoàn kết.

Những chuyến đi về nguồn như Pắc Bó (Cao Bằng), Đá Chông (Ba Vì), nhà tù Sơn La, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị)… được vị bí thư chi bộ thường xuyên tổ chức, để qua đó giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, để những quần chúng hiểu hơn về Đảng, về tổ chức của mình.

Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Hồng Vinh cho rằng vai trò của bí thư cấp ủy, đặc biệt là cấp cơ sở rất quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng cho những quần chúng ưu tú, mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông nói rằng dù có thay đổi về dân số, thu nhập, trình độ… nhưng sẽ luôn có những người có lý tưởng, có ý thức chính trị, mong muốn cống hiến cho xã hội, cộng đồng. Khi đó, bí thư hay đảng viên ở cơ sở phải là người phát hiện, nắm bắt, từ đó mới giác ngộ, bồi dưỡng được quần chúng ưu tú.

Bí thư Đảng ủy Thị trấn Bích Động Nguyễn Văn Phương cho biết một trong những nhiệm vụ mà ông đặc biệt quan tâm là đào tạo và nâng cao nghiệp vụ phát triển Đảng cho các vị bí thư chi bộ ở cơ sở. “Nếu họ muốn phát triển đảng, nhưng họ không có kỹ năng, nghiệp vụ thì rất khó để làm được thành công”, ông nói.

phat trien dang trong tang lop trung luu va kha gia anh 2

Một mô hình hay về phát triển đảng ở nhóm cư dân đô thị, có mức sống cao, được bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh), chia sẻ đó là phát triển Đảng ngay trong trường học.

Hạ Long đã phát hiện được 216 học sinh xuất sắc lớp 10 và lớp 11, cho đi học lớp nhận thức về Đảng. Sau đó, đến năm học lớp 12 sẽ đánh giá và đề nghị kết nạp.

Đến nay, Thành ủy đã kết nạp được 11 em học sinh ngay khi còn học lớp 12. Một số em khác đã trải qua quá trình phấn đấu, học lớp nhận thức về Đảng và được chuyển hồ sơ tới trường đại học mà các em theo học sau này tiếp tục theo dõi quá trình phấn đấu.

“Việc quan tâm bồi dưỡng, thu hút thế hệ trẻ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để bổ sung sức trẻ cho Đảng là nhiệm vụ cấp thiết được Đảng bộ thành phố đặt ra”, bà Hải Hường nói.

Về mặt lý luận, chuyên gia Bùi Quang Hiệp cho rằng về lâu dài cần có một nghiên cứu đầy đủ về việc phát triển Đảng trong nhóm khá giả và trung lưu ở Việt Nam, nhất là khi nhóm này đang tăng lên rất nhanh.

Cùng với đó là việc làm thế nào để nâng cao nhận thức, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, vai trò của người đứng đầu cấp ủy Đảng cơ sở và của cả hệ thống chính trị trong việc thu hút, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú.

Trong dài hạn, khi những nghiên cứu đã được hoàn thiện, cần có những nghị quyết của Đảng hay những định hướng cụ thể về vấn đề này. Có như vậy thì mới không có nghịch lý càng những khu vực kinh tế phát triển, lại càng vắng bóng Đảng viên mới như ở phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) hay như ở nhiều nơi khác.

Hiếu Công

Đồ họa: Hà My
Ảnh: Phạm Ngôn - Duy Hiệu - Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm