Thông tin này được người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra sáng 19/5, tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp.
Để nói về sự cần thiết trong tiếp cận, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, ông Dũng nhắc đến bối cảnh vừa qua Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh ấy, việc sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện thủ tục qua Cổng dịch vụ công quốc gia vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa tăng tính minh bạch thông qua hoạt động giám sát. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia còn tăng tính minh bạch, giúp giám sát quá trình thực hiện công vụ của cán bộ công chức. “Người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Còn Văn phòng Chính phủ sẽ giúp Thủ tướng đôn đốc, chấn chỉnh khi quá trình thực thi giải quyết thủ tục không đúng”, ông Dũng cho biết.
Được khai trương từ tháng 12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia đã nâng từ 8 nhóm dịch vụ lên 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.
“Cổng dịch vụ công quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí, thủ tục hành chỉnh. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm”, ông Dũng thông tin.
Ông cho biết tính đến 18/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 35 triệu lượt truy cập; trên 140.000 tài khoản đăng ký; trên 7,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Đặc biệt, từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Vừa qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã phát hiện ra việc này”, ông Dũng nói.
Ông cho biết từ 12/5 đến nay có 96 hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, vì trong việc chi trả hỗ trợ, các địa phương mới chủ yếu chi trả cho người có công, người nghèo. Còn với người lao động của các doanh nghiệp chủ yếu mới đang thực hiện thủ tục. Ông Dũng đánh giá việc này thực hiện còn chậm.
Nhưng vấn đề được ông Dũng băn khoăn là Cổng dịch vụ công quốc gia đã thực sự tiện lợi cho doanh nghiệp hay chưa, bởi tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn rất thấp.
Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh ở bất cứ đâu, doanh nghiệp cũng có thể truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, truy cập và phản ánh kiến nghị tới Thủ tướng, tới các bộ, ngành, địa phương. Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan chủ trì điều phối để đôn đốc xử lý.
Tiết kiệm thời gian, nguồn lực, công sức
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Vinaphone) chia sẻ thuận lợi khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo khuyến mãi trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ mất tối đa 15 phút.
Theo chia sẻ của đại diện VNPT lợi ích lớn nhất là tiết kiệm được thời gian, nguồn lực và công sức. Đặc biệt, tiết kiệm được chi phí. “Trong 1 năm, chúng tôi thực hiện 300 chương trình khuyến mại thì tiết kiệm được 200 triệu một năm. Như vậy các doanh nghiệp trên toàn quốc sẽ tiết kiệm được hơn 1.500 tỷ/năm”, đại diện VNPT thông tin.
VNPT là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Để thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên Cổng dịch vụ công, kể từ ngày 15/5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối Cổng dịch vụ công các cấp.