Sáng 10/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, đơn vị nhằm kiểm thử, đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các dịch vụ được demo tại cuộc họp gồm thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ôtô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp… Đây là các dịch vụ sẽ được tích hợp và cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến từ 13/3.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc. |
Thông tin tình hình dịch Covid-19 đã lan tới 103 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó số người nhiễm lên tới 113.921 người, khiến gần 4.000 người chết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là vấn đề cấp bách.
Việc tích hợp thêm các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng có ý nghĩa quan trọng, vừa cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh khi người dân không phải đi thực hiện thủ tục trực tiếp.
Báo cáo về dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết đơn vị đã phối hợp với các đơn vị khác làm ngày đêm. Và đến 21h ngày 9/3 đã kết nối thành công.
Qua demo của Cục CSGT cho thấy người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện nộp phạt trực tuyến. Sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu.
“Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút là thực hiện xong”, thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.
Phó cục trưởng Cục CSGT cũng cho hay số biên bản xử phạt vi phạm hành chính sinh ra từng ngày, không phải là số duy nhất, vì vậy người dân phải sử dụng 3 trường thông tin trên (số biên bản vi phạm hành chính; ngày - tháng - năm vi phạm; họ và tên) để tìm ra quyết định xử phạt.
Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, với việc tích hợp nộp phạt vi phạm giao thông lên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ cần mất 3 phút với người thành thạo. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 7 ngày từ khi lập biên bản, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt. Riêng các hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…, sau ca công tác (4 tiếng), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao giấy tờ biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.
Nói thêm về việc này, đại diện VNPT cho hay người dân có thể thực hiện thanh toán tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nhận kết quả tại nhà. Để thực hiện được dịch vụ này, người dân phải tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau khi thanh toán xong, Cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan CSGT của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm.
Dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm giao thông chỉ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận nhưng việc trả kết quả tại nhà được VNPT triển khai trên toàn quốc.