"10 trong số các hành tinh mới được tìm thấy có thể có dạng đá, giống như Trái Đất, có quỹ đạo bay nằm trong vùng sự sống xung quanh ngôi sao của chúng với khoảng cách phù hợp cho phép nước tồn tại trên bề mặt hành tinh", thông báo của NASA cho biết.
10 trong số các ngoại hành tinh có cấu tạo giống với Trái đất. Ảnh: NASA |
Các ngoại hành tinh được phát hiện có kích cỡ tương đối lớn, gấp khoảng 1,5 lần Trái Đất, nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương. NASA tin rằng các ngoại hành tinh có khả năng duy trì bầu khí quyển bao gồm khí helium và hydrogen, một điều kiện cần thiết để duy trì sự sống.
Đáng chú ý, ngoại hành tinh mang số hiệu KOI 7711 được cho là "Trái Đất sinh đôi" với lõi đặc và quay quanh một sao lùn với khoảng cách tương tự như khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
"Điều này không đảm bảo chắc chắn rằng chúng (các ngoại hành tinh) sẽ có nước, tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng", NASA cho hay.
Các ngoại hành tinh được phát hiện lần này đều thuộc khu vực gần chòm sao Thiên Nga (tiếng Anh là Cygnus) thuộc Dải Ngân Hà.
Kính viễn vọng Kepler. Ảnh: NASA |
Kể từ khi được đưa lên vũ trụ năm 2009 với nhiệm vụ tìm kiếm các hành tinh có khả năng duy trì sự sống, kính viễn vọng Kepler đã quét qua hơn 200.000 ngôi sao trong chòm sao Thiên Nga và phát hiện 4.034 ngoại hành tinh.
Kính viễn vọng Kepler sẽ kết thúc sứ mệnh khảo sát tại khu vực chòm sao Thiên Nga vào tháng 10 tới và chuyển sang tìm kiếm tại các khu vực khác của vũ trụ.
Những phát hiện của kính viễn vọng Kepler sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của NASA trong nghiên cứu thành phần cấu tạo bầu khí quyển của các ngoại hành tinh.