Ngày 10/4, ông Châu Minh Ninh – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng cùng ngày, trong lúc tuần tra rừng tại địa bàn xã Trà Cang, các thành viên của Chốt bảo vệ rừng Giang – Sơn thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng số 4 phát hiện một cá thể rùa bị mắc dây rừng.
Các nhân viên đã giải thoát cho cá thể rùa, kiểm tra tình trạng sức khỏe và thả lại môi trường tự nhiên. Ảnh: L.K. |
Ngay sau khi phát hiện, các nhân viên đã giải thoát cho cá thể rùa, kiểm tra tình trạng sức khỏe và thả lại môi trường tự nhiên.
Theo quan sát, cá thể rùa này có trọng lượng gần 1 kg, dài khoảng 20 cm, có đuôi dài gần bằng với thân, đầu được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc giống mỏ vẹt.
Đây chính là đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to (danh pháp hai phần: Platysternon megacephalum).
Loài này sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển tại các khu rừng tự nhiên từ miền Bắc đến hết miền Trung và Tây Nguyên. Ban ngày chúng ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, ban đêm mới đi tìm thức ăn gồm động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ. Khi trưởng thành, rùa đầu to có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20 cm.
Loài rùa này được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới do bị khai thác, buôn bán quá mức, nếu không ngăn chặn, loài này sẽ biến mất trong tương lai gần.
Ở Việt Nam, rùa đầu to thuộc nhóm IB trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP và được liệt kê vào danh sách những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ thuộc Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các hành vi vi phạm liên quan đến rùa đầu to sẽ bị xử phạt rất nặng.