Các nhà sinh vật học đã bất ngờ phát hiện khoảng 60 triệu tổ cá băng đang hoạt động trong vùng diện tích hơn 240 km2 khi thu thập dữ liệu thường lệ ở đáy biển Weddell. Quần thể lớn chưa từng thấy này có sinh khối hơn 60.000 tấn, Guardian đưa tin ngày 14/1.
"Phát hiện quan trọng nhất của chúng tôi là sự tồn tại của một quần thể cá băng đang sinh sản rộng lớn như vậy", chuyên gia Autun Purser, thuộc Viện nghiên cứu biển và địa cực Alfred Wegener, Đức cho biết.
"Chúng tôi đã quan sát hàng chục tổ ở những nơi khác tại Nam Cực, nhưng phát hiện này có quy mô lớn gấp nhiều lần".
60 triệu tổ cá băng trải dài trên 240 km2 đáy biển đã được phát hiện ở Nam Cực. Ảnh: Nhóm AWI OFOBS. |
Đây là đàn cá băng lớn nhất được tìm thấy cho đến nay. Kích thước khổng lồ của đàn cá cho thấy toàn bộ hệ sinh thái biển Weddell đang chịu tác động những tổ này.
"Rất có khả năng tổ cá cung cấp một lượng thực phẩm khổng lồ cho hải cẩu. Mất tổ cá có thể sẽ dẫn tới mất đàn hải cẩu. Chúng có tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái biển Weddell và cả những nơi khác trong vùng biển Nam Cực", ông Purser nói.
Các nhà nghiên cứu ban đầu quan tâm đến khu vực này vì một quá trình được gọi là nước trồi. Tại đây, gió và dòng chảy mang nước lạnh lên bề mặt, khiến nước ở phía dưới ấm hơn 2 độ C so với khu vực xung quanh.
Ông Purser cho rằng cá có thể sử dụng dòng nước ấm hơn này như một công cụ điều hướng để theo dõi đàn. “Khi chúng cảm thấy muốn sinh sản, chúng sẽ tìm vùng nước ấm hơn này và sinh sản ở đó", ông nói.
Hệ sinh thái được tình cờ tìm thấy thông qua hệ thống đo độ sâu và quan sát đáy đại dương. Nhiều hình ảnh, video và các chỉ số đo đạc môi trường sống dưới đáy biển sâu đã được ghi lại bằng một máy ảnh lớn.
Máy ảnh sẽ theo dõi hệ sinh thái trong 2 năm tới để xác định cách nó hoạt động và tương tác với các hệ sinh thái khác. Các nhà nghiên cứu dự định quay lại khu vực này vào tháng 4 để khảo sát các vùng nước xung quanh và xem liệu loài cá có sinh sản trở lại trong các tổ giống nhau hay không.