Ban đầu, khối tròn màu đen xuất hiện giữa những tảng đá dọc bờ biển San Diego, bang California tuần qua bị tưởng nhầm là cục hắc ín. Tuy nhiên, khi một người lướt sóng tới gần đã nhận ra đó là sinh vật đặc biệt, theo Guardian.
Sinh vật có vây để lộ hàm răng sắc nhọn như gai, đôi mắt đen nhỏ xíu và một bộ phận như chiếc que có xúc tu cùng bóng đèn nhô ra khỏi đầu.
Loài sinh vật hiếm gặp
Các nhà nghiên cứu ở Viện Hải dương học thuộc Đại học California ở San Diego nhanh chóng xác định đây là cá bóng đá Thái Bình Dương, một loài sống ở biển sâu hiếm gặp đến mức chỉ có 31 cá thể được tìm thấy trong hơn một thế kỷ kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên.
Con cá bóng đá Thái Bình Dương mới nhất dạt vào bờ ở California. Ảnh: Viện Hải dương học thuộc Đại học California ở San Diego. |
Tuy nhiên, cá thể mới nhất được phát hiện nói trên thậm chí còn đáng chú ý hơn, bởi nó đánh dấu lần thứ ba cá bóng đá Thái Bình Dương dạt vào bờ biển California trong năm nay, điều bất thường chưa từng có tiền lệ.
Hiện chưa biết con cá đã xuất hiện như thế nào và nguyên nhân đằng sau nhưng các nhà khoa học đang rất phấn khích với cơ hội khám phá điều đó.
Cơ hội quý giá cho các nhà nghiên cứu
“Thực tế là việc một số (con cá bóng đá Thái Bình Dương) dạt vào bờ trong năm nay có thể chỉ là sự tình cờ đối với chúng tôi”, Ben Frable, một nhà ngư học kiêm quản lý Bộ sưu tập Cá tại Viện Hải dương học Scripps, người đang kiểm tra và bảo quản con cá mới được phát hiện, cho biết.
Ông bác bỏ ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Ông nói nếu đúng có điều gì đó bất thường thì sẽ còn nhiều con hơn nữa. Tuy nhiên, hai con đã được tìm thấy trong năm nay (con thứ ba được chụp ảnh trên bãi biển nhưng đã biến mất trước khi các nhà khoa học đến hiện trường) đã mang đến cơ hội tìm hiểu về loài sinh vật này.
“Chúng tôi không biết nhiều về sinh vật này, ngay cả những điều cơ bản về cách sinh sống của chúng”, ông Frable nói.
Một con cá bóng đá Thái Bình Dương khác xuất hiện trong năm nay ở quận Cam. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quận LA. |
Những người từng xem phim hoạt hình “Đi tìm Nemo”, có thể nhận ra cá bóng đá Thái Bình Dương. Chúng chính là loài cá dụ Dory và Marlin đuổi theo do sức hút của ánh sáng.
Cá bóng đá Thái Bình Dương là một trong hơn 100 loài Anglerfish (cá cần câu) được tìm thấy trên thế giới. Các nhà khoa học biết rằng chúng thường sống ở độ sâu hàng nghìn mét dưới mực nước biển và dụ con mồi vào miệng với sự trợ giúp từ những bóng đèn phát quang sinh học lấp lánh treo trên đầu.
Toàn thân chúng có gai bao phủ và những chiếc răng sắc nhọn của cá bóng đá Thái Bình Dương được sử dụng để bẫy các loài cá, mực, động vật giáp xác khác sống ở độ sâu lên đến hơn 1.000 m, theo Viện Hàn lâm Khoa học California.
Tuy nhiên, mô tả trên chỉ áp dụng cho cá cái. Những con đực thuộc loài này chỉ phục vụ mục đích duy nhất là giúp cá cái sinh sản. Con đực bám chặt vào con cái bằng răng và trở thành “ký sinh trùng giao phối”. Chúng cuối cùng sẽ hợp nhất với cơ thể con cái cho đến khi không còn hình dạng gì ngoài tinh hoàn để sinh sản.
Cá thể mới nhất được phát hiện là một con cái dài 38 cm và nặng 2,5 kg trong tình trạng gần như hoàn hảo ngoại trừ một số dấu vết va chạm nhẹ và vết thương nhỏ có thể do một con mòng biển tò mò gây ra.
Con cá có gai nhưng mềm, ông Frable nói, đồng thời cho biết thêm ông có thể cảm thấy vài cục u lớn trong bụng nó. Sau khi chụp X-quang và quan sát bên trong, các nhà khoa học phát hiện có cát trong bụng cá. Hầu hết cá bóng đá được phát hiện dạt vào bờ biển có bụng hoàn toàn trống rỗng.
Con cá đang được bảo quản trước khi các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn.
"Những mẫu vật như thế này, mỗi khi chúng dạt vào bờ, có thể cung cấp thêm nhiều manh mối", ông Frable khẳng định.