Theo AFP, nhiều nghiên cứu trước đây cũng ghi nhận sự liên quan giữa ô nhiễm không khí và các vấn đề sức khỏe ở thai phụ. Trong nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature Sustainability, nhóm nghiên cứu từ nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã làm rõ hơn về tác động của ô nhiễm.
Nghiên cứu cho thấy thai phụ tiếp xúc với môi trường không khí có mật độ bụi hạt, hoặc các hợp chất SO2, CO và Ozone, đạt mức cao sẽ gia tăng nguy cơ thai chết lưu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
"Mức tăng nguy cơ là phi tuyến tính. Xác suất rủi ro tăng nghiêm trọng hơn rất nhiều trong môi trường ô nhiễm cao", nghiên cứu cho biết.
Các chuyên gia tại Học viện Khoa học Trung Quốc và 4 trường đại học đã theo dõi tình hình sức khỏe của hơn 250.000 phụ nữ tại Bắc Kinh từ năm 2009-2017. Trong số đó, nhóm nghiên cứu ghi nhận được 17.497 trường hợp bị thai chết lưu.
Bắc Kinh thời gian qua vẫn chật vật tìm cách cải thiện chất lượng không khí. Ảnh: AFP. |
Nhóm sử dụng số liệu từ những trạm đo chất lượng không khí gần nơi sinh sống và chỗ làm của các thai phụ để đánh giá mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
"Xã hội Trung Quốc đang già đi. Nghiên cứu của chúng tôi tạo thêm động lực để đất nước giảm ô nhiễm không khí nếu muốn thúc đẩy tỉ lệ sinh", nhóm tác giả khẳng định.
Theo Frederica Perera, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Colombia, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cũng có sự tương đồng với nhiều phát hiện trong thời gian qua về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sinh non.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực cải thiện đáng kể chất lượng không khí. Tuy nhiên, chỉ số vi bụi trong không khí đe dọa hệ hô hấp PM2.5 vẫn cao hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gấp 4 lần. Thông số ô nhiễm cũng có sự khác biệt lớn giữa những khu vực trong thủ đô Trung Quốc và có thay đổi lớn theo thời gian.