Khoảng 1.300 năm trước, một người ghi chép ở Palestine đã lấy được một cuốn sách Phúc âm viết tiếng Syriac và xóa nó đi. Vào thời Trung cổ, giấy da khan hiếm ở sa mạc, vì vậy các văn bản cũ thường bị xóa đi và tái sử dụng.
Một nhà trung cổ học từ Viện Hàn lâm Khoa học Áo (OeAW) gần đây có thể làm cho những từ bị mất trên bản thảo nhiều lớp này (được viết trên da cừu) trở nên rõ ràng. Do đó, Grigory Kessel đã phát hiện ra một trong những bản dịch kinh Tân ước sớm nhất trong lịch sử nhờ vào các trang còn sót lại của bản thảo này.
Theo đó, bản kinh Tân ước gốc có từ thế kỷ thứ 3 và sau đó được sao chép lại vào thế kỷ thứ 6. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Tân ước New Testament Studies.
Dưới ánh sáng của tia cực tím, các lớp chữ bị viết đè lên đã hiện ra. Ảnh: Phys. |
Nhà trung cổ học Grigory Kessel nói: “Truyền thống của Cơ đốc giáo Syriac được biết đến qua một số bản dịch kinh Cựu ước và Tân ước. Nhưng trước đó, chỉ có hai bản thảo được biết là có lưu giữ bản dịch phúc âm tiếng Syriac cổ".
Một bản hiện được lưu giữ trong Thư viện Anh ở London, Vương quốc Anh và văn bản còn lại đã được phát hiện dưới dạng da cừu ở Tu viện Thánh Catherine ở Núi Sinai, Ai Cập. Trong dự án nghiên cứu các tài liệu da cừu Sinai, các nhà khoa học gần đây phát hiện được một số tàn tích từ bản thảo thứ ba.
Và giờ đây, một trang bản thảo nhỏ mới, hiện có thể được coi là bằng chứng cho văn bản thứ tư, đã được Grigory Kessel xác định bằng cách sử dụng phương pháp chụp ảnh tia cực tím. Theo đó, Kessel đã xác định được lớp văn bản thứ ba dịch kinh Tân ước trong một bản thảo của Thư viện Vatican. Bằng chứng này đã đóng góp thêm vào các tài liệu kinh thánh bằng tiếng Syriac cổ và phần nào mở ra hướng nghiên cứu lịch sử truyền bá các sách Phúc âm dưới dạng viết.
Ví dụ, trong khi bản gốc tiếng Hy Lạp sách Phúc âm Matthew chương 12, câu 1 nói: "Khi Chúa Jesus đi ngang qua những cánh đồng lúa mì vào ngày Sabbath; các môn đồ của ngài dần thấy đói và bắt đầu bứt bông lúa mà ăn", thì bản dịch tiếng Syriac cũng bám sát, "[...] bắt đầu bứt bông lúa, vò trong tay mà ăn".
Claudia Rapp, giám đốc Viện nghiên cứu thời trung cổ tại OeAW, nói: "Grigory Kessel đã có một khám phá tuyệt vời nhờ kiến thức sâu rộng của ông ấy về các văn bản Syriac cổ và đặc điểm của chữ viết".
Bản dịch tiếng Syriac này được viết ít nhất một thế kỷ trước các bản Kinh thánh viết tay cổ nhất bằng tiếng Hy Lạp còn tồn tại, kể cả quyển Kinh thánh cổ đầy đủ nhất Codex Sinaiticus.
Claudia Rapp cũng khẳng định: “Khám phá này chứng minh tầm quan trọng và hiệu quả của sự tương tác giữa các công nghệ kỹ thuật số hiện đại và nghiên cứu cơ bản khi xử lý các bản thảo thời trung cổ.