Theo các nhà khoa học đang nghiên cứu về mã gene, sự ổn định tương đối của chủng virus SARS-CoV-2 làm giảm mức độ nguy hiểm khi lây lan và tạo hy vọng cho công tác sản xuất vaccine.
Thông thường, mọi loại virus đều tiến hoá rồi biến đổi khi chúng được nhân rộng và lây lan trong một quần thể lớn. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 lại có chức năng “hiệu đính” để làm giảm sai sót trong chu kỳ sao chép. Theo các nhà nghiên cứu, các virus sau khi sao chép không thay đổi nhiều và cũng không nguy hiểm hơn virus nguyên mẫu.
The Washington Post dẫn thông tin từ nhà di truyền học Peter Thielan của Đại học Johns Hopkins cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu hơn 1.000 mẫu virus khác nhau. Theo ông, dựa trên mẫu virus lây lan ở Vũ Hán (Trung Quốc), họ chỉ tìm ra 4-10 đột biến di truyền ở mẫu virus tấn công người Mỹ.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trên kính hiển vi điện tử. Ảnh: Reuters. |
“Đây là số đột biến tương đối thấp so với một chủng virus lây lan trên quần thể người đông đúc như vậy”, ông Thielen nhận định. “Ở giai đoạn này, tỷ lệ đột biến sẽ quyết định sự thành bại của một loại vaccine điều trị duy nhất”.
Trái với bệnh cúm cần nhiều loại vaccine khác nhau mỗi năm, ông Thielen mong rằng virus corona có thể được phòng chống lâu dài với một liều vaccine duy nhất.
Nhiều loại vaccine chống dịch Covid-19 đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính vaccine cần ít nhất một năm đến một năm rưỡi để hoàn toàn sẵn sàng.
Các chuyên gia Stanley Perlman của Đại học Iowa và Benjamin Neuman của Đại học Texas A&M, những nhà virus học thuộc uỷ ban quốc tế đặt tên gọi cho virus corona, cũng xác nhận chủng virus này đang khá ổn định và không có đột biến đáng kể nào.
“Nhưng nếu dịch kéo dài thêm một năm nữa, virus khi ấy có thể thay đổi nhiều hơn”. Ông Neuman đối chiếu virus corona với bệnh cúm, vốn có nhiều đột biến khó lường. “Bộ gene của virus cúm được chia thành nhiều đoạn với những mã hoá riêng biệt. Khi hai loại virus cúm cùng nằm trong một tế bào, chúng có thể hoán đổi các đoạn mã với nhau và tạo ra biến thể mới ngay lập tức”.
Các chuyên gia cho hay chỉ một đột biến nhỏ ở virus chủng mới cũng có thể gây tác động to lớn tới đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn chưa có thay đổi đáng kể nào cho tới nay.
Ví dụ, tỉ lệ tử vong cao tại Italy là do các yếu tố ngoại cảnh, như dân số già hoá, bệnh viện quá tải, thiếu máy thở, thiếu nhân lực, chứ không phải do đột biến của virus. “Theo chúng tôi quan sát, tính sát thương cao của dịch bệnh không có mối liên hệ nào với đột biến của virus mà phần lớn là do các yếu tố tình huống khác” ông Thielen kết luận.