Thời gian vừa qua giúp thế giới nhận ra rằng ngay cả những biện pháp phòng dịch mạnh tay nhất cũng chỉ làm chậm tốc độ lây lan chứ không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ COVID-19.
Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, công tác điều điều chế vắcxin phòng ngừa chủng virus corona mới lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Tốc độ cải thiện
Khoảng 35 tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp đang chạy đua với thời gian nhằm sớm cho ra đời loại vắcxin đang được cả thế giới mong đợi nói trên. Đáng chú ý, Công ty Công nghệ Sinh học Moderna (Mỹ) hợp tác cùng Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ đã sản xuất lô vắcxin đầu tiên hồi tháng 2 và bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người với sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh Sáng kiến Phòng chống Dịch bệnh (CEPI).
Nỗ lực của Trung Quốc hồi tháng 1 đóng góp một phần không nhỏ vào bước tiến này. Trước đó, Trung Quốc giải mã thành công trình tự bộ gene virus corona và cho phép các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới ứng dụng công trình trên vào công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã có sự chuẩn bị từ trước. Cụ thể, sau khi chủng virus corona gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), việc nghiên cứu về loại virus nguyên mẫu được tập trung đẩy mạnh và đầu tư.
The Guardian dẫn phát biểu của Giám đốc điều hành CEPI, ông Richard Hatchett: “Tốc độ điều chế vắcxin nhanh chóng là nhờ vào sự đầu tư và hiểu biết về các loại vắcxin ngừa virus corona có từ trước đó”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm hiểu về quá trình tiêm vắcxin tại Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh hôm 2/3. Ảnh: AP. |
Phương pháp đa dạng
Tuy nhiên, đối phó với một chủng virus mới chưa bao giờ là điều dễ dàng. Các nhà sản xuất “loay hoay” tiếp cận vấn đề theo phương pháp “vừa làm vừa thử” dựa trên những kiến thức sẵn có kết hợp với nhiều nghiên cứu tân tiến hơn.
Thông thường, các loại vắcxin được điều chế dựa trên nguyên lý dược động học tương đồng: sử dụng kháng nguyên để kích thích cơ chế miễn dịch nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là các kháng nguyên không hoàn toàn tương thích với cơ thể của tất cả cá thể. Khi đó, thay vì hạn chế mắc bệnh, vắcxin lại khiến cơ thể người dùng dễ nhiễm bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung tâm nghiên cứu vắcxin ở Maryland hôm 3/3. Ảnh: Reuters. |
Chính vì vậy, hàng loạt các phương pháp hiện đại hơn được mang vào thay thế. Ví dụ, đơn vị Novavax đang áp dụng chiến lược vắcxin “tái tổ hợp” dựa trên nguyên lý sắp xếp lại các gene liên kết không hoàn toàn nhằm tạo ra các dạng giao tử mới. Trong khi đó, CureVac và Moderna lại chế tạo vắcxin từ chính mã di truyền của bộ gene virus.
Theo CEPI, khoản đầu tư cho các dự án điều chế vắcxin do Novaxax và Đại học Oxford tiến hành đã lên tới 4,4 triệu USD. Người đứng đầu tổ chức, ông Hatchett, cho rằng sự đa dạng chính là chìa khóa thành công, nhất là khi quá trình sản xuất vắcxin đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn - giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nhanh chưa hẳn đã là tốt
Thử nghiệm lâm sàng thành công là điều kiện thiết yếu để vắcxin được phê duyệt và sử dụng rộng rãi. Thế nhưng trước đó, các nhà sản xuất phải vượt qua ba cột mốc: Thử nghiệm vắcxin lên vài chục tình nguyện viên khỏe mạnh và theo dõi tác dụng phụ; Thử nghiệm hiệu quả của vắcxin trên vài trăm người ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cuối cùng là Tiến hành thử nghiệm tương tự trên vài nghìn mẫu bệnh nhân.
“Không phải mọi con ngựa rời vạch xuất phát đều có thể kết thúc đường đua”, The Guardian dẫn nhận định khá thực tế của người đứng đầu Viện Vắcxin Sabin, ông Bruce Gellin.
Phát biểu này không hoàn toàn chỉ phản ánh sự tiêu cực bởi quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ giúp loại bỏ những loại vắcxin không an toàn và kém hiệu quả. Theo ông Gellin, cách tốt nhất để hạn chế rủi ro từ các loại vắcxin mới chính là sẵn sàng tiến hành thử nghiệm lâm sàng kỹ càng, phát hiện nhược điểm và đưa ra sự điều chỉnh hợp lý.
Ví dụ điển hình chứng minh cho tính đúng đắn của luận điểm này là sự kiện Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) gấp gáp điều chế vắcxin phòng virus hợp bào hô hấp ở trẻ năm 1960. Khi ấy, thay vì phòng được bệnh, vắcxin này lại gây ra nhiều trường hợp nhiễm nặng, thậm chí dẫn đến 2 ca tử vong.
Chính vì thế, quá trình chế tạo vắcxin thành công và được phê duyệt đầy đủ có thể kéo dài hơn 10 năm. Điều này lý giải cho tuyên bố của Tổng thống Trump hôm 2/3 rằng vắcxin phòng Covid-19 hoàn thành vào cuối năm nay là điều không thể.
Annelies Wilder-Smith, giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, thẳng thắn cho hay loại vắcxin đang được thử nghiệm sẽ không thể sẵn sàng trước thời hạn 1 năm rưỡi.
Vẫn còn đó một chặng đường dài
Sau khi được phê duyệt, sản xuất được vắcxin với số lượng lớn cũng là một vấn đề khá nan giải do các nhà sản xuất hiện không đủ nguồn lực để thực thi điều này. Quá trình phát triển vắcxin vốn đã tiềm ẩn rủi ro cao về mặt tài chính nên hiếm có đơn vị nào sản xuất số lượng lớn khi chưa chắc chắn về độ hiệu quả của chế phẩm mới.
Hiện CEPI và các tổ chức tương tự đang tích cực hoạt động nhằm hỗ trợ các đơn vị điều chế vắcxin trong vấn đề này. Cụ thể, CEPI lên kế hoạch vừa phát triển vắcxin ngừa COVID-19 vừa thúc đẩy khả năng sản xuất thông qua hành động quyên góp 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, giai đoạn hậu phê duyệt vẫn còn đầy rẫy thách thức. Jonathan Quick thuộc Đại học Duke, Bắc Carolina - tác giả cuốn “Cái kết của đại dịch” (2018) cho biết: “Sản xuất ra một loại vắcxin được chứng nhận là an toàn và hiệu quả thì mới chỉ là 1/3 chặng đường của dự án tiêm chủng toàn cầu mà thôi. Thách thức về nghiên cứu sinh học và công nghệ sản xuất chỉ là những khó khăn bước đầu. Thể chế chính trị và hệ thống kinh tế mới là những rào cản to lớn hơn”.
Việc mọi người dân trên thế giới được tiếp cận với vắcxin là thách thức lớn đối với các quốc gia, nhất là khi nhiều nước còn đang “chật vật” xây dựng quy trình xử lý. Ví dụ, Anh sẽ ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc xã hội và những nhóm đối tượng dễ nhiễm bệnh trong trường hợp đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, nếu đại dịch xảy ra và các nước tranh nhau nguồn cung khan hiếm, Anh sẽ thực hiện những mong muốn đó như thế nào?
Xây dựng chiến lược phân phối công bằng
Đại dịch thường tấn công những quốc gia dễ bị tổn thương có hệ thống y tế yếu kém. Chính vì vậy, sự mất cân bằng giữa nhu cầu sử dụng mà sức mua hoàn toàn có thể xảy ra khi vắcxin được sản xuất rộng rãi.
WHO đã kêu gọi các chính phủ, tổ chức từ thiện, nhà sản xuất vắcxin chung tay xây dựng chiến lược phân phối công bằng. Nhiều tổ chức như GAVI, Liên minh Vắcxin cũng đưa ra các sáng kiến để quyên góp, hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, mỗi đại dịch đều là một biến số và WHO không thể ràng buộc tất cả các quốc gia cam kết vào những ẩn số trong tương lai.
Giáo sư Wilder-Smith đưa ra cái nhìn lạc quan: “Đại dịch này có thể đạt đỉnh và suy giảm trước khi chúng ta sản xuất ra vắcxin”. Viễn cảnh về cách giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này vẫn còn khá mơ hồ. Cho tới khi mọi chuyện kết thúc, tất cả những gì chúng ta nên làm là thực hiện trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của virus.