Trong cuộc phỏng vấn với Der Spiegel, chuyên gia về dịch bệnh Jeremy Farrar nói về sự lây lan nhanh chóng đáng báo động của virus corona mới, khó khăn trong việc điều chế vắc-xin và mối lo ngại lớn nhất của ông về dịch bệnh này.
Nhân viên y tế trong một bệnh viện cấp cứu ở Vũ Hán. Ảnh: Xinhua. |
- Vài năm qua, ông cảnh báo rằng trong thời toàn cầu hóa, một loại virus nguy hiểm không thể kiểm soát có thể lây lan khắp thế giới. Cơn ác mộng tồi tệ nhất của ông đã thành hiện thực vì loại virus corona mới này?
- Chắc chắn cơn ác mộng đã diễn ra ở Trung Quốc. Virus đang lây lan nhanh hơn nhiều so với virus gây dịch SARS. Chỉ sau vài tuần, nó đã lây nhiễm nhiều người trên khắp thế giới và khiến nhiều bệnh nhân ở Trung Quốc tử vong hơn những gì SARS gây ra trong 9 tháng.
Tại Vũ Hán và nhiều vùng của Trung Quốc, cư dân đang sống trong ác mộng. Các bệnh viện quá tải. Các bác sĩ và y tá phải làm việc quá giới hạn của họ. Họ đang mạo hiểm mạng sống của mình để giúp đỡ bệnh nhân của họ. Chúng ta nợ họ tất cả sự tôn trọng và lời cảm ơn.
- Có nguy cơ chúng ta sẽ thấy cảnh như trong phim kinh dị ở Đức và châu Âu không?
- Tôi tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn có thể được ngăn chặn. Điều này sẽ bao gồm việc đưa ra một số quyết định khó khăn trong vài tuần tới. Chúng ta phải nhớ: Đối với hệ thống miễn dịch của chúng ta, virus này là đối thủ mới và rất dễ lây truyền giữa người với người.
Nó có thể gây ra mọi thứ, từ các triệu chứng rất nhẹ đến rất nghiêm trọng. Sự kết hợp các tính năng này làm cho virus này rất khó kiểm soát. Căn bệnh mới này sẽ không biến mất nhanh như SARS.
Chúng ta phải cảm ơn các biện pháp quyết liệt của chính phủ Trung Quốc. Họ đã cách ly hơn 50 triệu người. Nhưng ngay cả điều này có thể không đủ để ngăn virus. Tuy nhiên, bất cứ điều gì làm trì hoãn sự lây lan bên ngoài Trung Quốc, thậm chí trong một vài tuần, sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn.
- Những quyết định khó khăn mà ông nghĩ cần thiết là gì?
- Có thể cách ly bổ sung tại các thành phố hoặc khu vực riêng lẻ hoặc dừng các hoạt động giao thông hàng không, hàng hải, đường bộ. Điều này có thể thiệt hại rất nhiều tiền.
Trong dịch SARS và cúm A H1N1, các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường, thành phố cũng không bị phong tỏa như Trung Quốc hiện tại. Các biện pháp hà khắc tương tự đã được thực hiện để ngăn bệnh cúm Tây Ban Nha trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1920 khi có tới 50 triệu người chết.
Jeremy Farrar, 58 tuổi, là giám đốc của Wellcome Trust, một trong những tổ chức hỗ trợ nghiên cứu y học lớn nhất. Năm 2003, với tư cách là nhà khoa học lâm sàng, ông từng chứng kiến sự bùng phát của dịch SARS tại Việt Nam. Ảnh: Wellcome Trust. |
- Việc cách ly các thành phố như Munich hay Paris có cần thiết không?
- Tôi nghi ngờ việc cư dân của các thành phố lớn của phương Tây sẽ chịu phong tỏa thành phố trong thời gian dài. Các biện pháp hà khắc như vậy sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho cộng đồng và xã hội. Nếu trường hợp xấu nhất thực sự xảy ra, mọi người có thể sẽ được yêu cầu ở nhà trên cơ sở tự nguyện. Nhưng để các biện pháp tự nguyện như vậy có hiệu quả, điều quan trọng là các chính trị gia và chuyên gia y tế công cộng giúp mọi người hiểu bằng việc giao tiếp cởi mở, trung thực và minh bạch.
- Cá nhân ông có sợ một đại dịch có thể xảy ra không?
- Tôi đã làm việc với các bệnh như cúm gà, sốt xuất huyết và Ebola trong hơn 20 năm qua. Bạn không sợ những thứ bạn hiểu rõ. Rõ ràng, tôi có lo lắng.
Nhưng đây là lúc cần bình tĩnh và hành động hợp lý. Việc sợ hãi sẽ không cứu chúng ta.
- Trên thế giới, đâu là nơi quyết định trong việc xác định liệu virus Covid-19 có vượt khỏi tầm kiểm soát? Các nước đang phát triển hay các quốc gia mới nổi có hệ thống y tế yếu?
- Đây là điều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại. Một tình huống tồi tệ như ở Vũ Hán sẽ gây áp lực lớn ngay cả đối với quốc gia có hệ thống y tế rất tốt như ở Đức hay Singapore, đặc biệt là vào mùa đông.
Nhưng ở các nước tài nguyên thấp như Bangladesh, Venezuela hoặc một số nước ở châu Phi, một dịch bệnh nhỏ cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta phải giúp đỡ các nước nghèo mọi thứ cần thiết: thiết bị bảo vệ, dụng cụ xét nghiệm, thuốc và tư vấn y tế.
- Dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình trên toàn thế giới đang vượt khỏi tầm kiểm soát là gì?
- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất cần chú ý trong hai hoặc ba tuần tới là nếu chúng ta bắt đầu thấy sự lây lan trong cộng đồng bên ngoài Trung Quốc.
Có một bệnh nhân Hàn Quốc bị nhiễm bệnh đã đến Thái Lan nhưng không đi du lịch đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai từ Trung Quốc. Điều này rất đáng lo ngại.
Một nhân viên chuyển phát ở Vũ Hán. Ảnh: Getty. |
- Người dân Trung Quốc cho rằng chính phủ Trung Quốc bắt đầu ứng phó với Covid-19 quá trễ. Điều gì đã sai?
- Tôi nghĩ điều này đang bị làm quá. Đừng quên rằng dịch này bắt đầu chậm và trên hết, nó bắt đầu trước Tết Nguyên đán. Hãy tưởng tượng một đại dịch bắt đầu trong mùa lễ của bạn. Một số người mắc bệnh viêm phổi kỳ lạ ở một số bệnh viện khác nhau. Bạn có nghĩ rằng các cơ quan chức năng sẽ ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp?
Tôi nghĩ rằng chỉ trích thì dễ dàng lắm. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp cho việc này. Chúng ta phải đoàn kết, không chia rẽ và đổ lỗi. Chúng ta phải hành động ngay!
- Thế giới đang thiếu đồ bảo hộ. Làm thế nào các nhà máy có thể tăng tốc độ sản xuất?
- Rất nhiều thiết bị bảo hộ được sản xuất tại Trung Quốc. Bây giờ, rõ ràng là thế giới dễ bị tổn thương như thế nào khi rất nhiều hàng hóa quan trọng có nguồn gốc từ chỉ một quốc gia. Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế toàn cầu nếu dịch bệnh kéo dài hơn một vài tháng ở Trung Quốc và trên thế giới? Chúng ta không biết.
Tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta nếu nó ảnh hưởng việc sản xuất thuốc và vắc-xin. Nếu virus tăng tốc độ lây lan bên ngoài Trung Quốc, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đang thực hiện có thể được dừng lại. Vào thời điểm đó, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn mới.
- Việc phát triển một loại vắc-xin nhanh chóng có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus hay không?
- Không, vắc-xin sẽ không xuất hiện kịp lúc. Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI), một tổ chức quốc tế được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức và Wellcome Trust, cùng những người khác, đang thúc đẩy việc phát triển vắc-xin. Nhưng vẫn sẽ mất ít nhất 6 tháng để làm điều này.
Trên thực tế, chúng ta sẽ không có được vắc-xin trước cuối năm nay hoặc trong một năm, và đây là thời gian ngắn kỷ lục. Vắc-xin là thứ dùng cho người khỏe mạnh. Bạn phải hoàn toàn chắc chắn rằng nó an toàn. Nếu chúng ta không may mắn, chúng ta sẽ không thể phát triển một loại vắc-xin nào cả.
- Vậy, tại sao ngành công nghiệp dược phẩm phải nỗ lực lớn như vậy?
- Vắc-xin rất quan trọng trong trường hợp virus Covid-19 không biến mất như SARS nhưng vẫn tồn tại và trở thành mối đe dọa liên tục như virus cúm. Thậm chí có khả năng Covid-19 không xuất hiện theo mùa như cúm mà sẽ hoạt động cả năm.
- Chúng ta có thể hy vọng rằng thuốc kháng virus có thể giúp người bệnh nặng không?
- Nhiều nhóm đang nghiên cứu điều này dưới nhiều áp lực. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với thuốc chống HIV đã được bắt đầu tại Vũ Hán vào giữa tháng 1 và cho đến nay, khoảng 200 bệnh nhân đã tham gia vào nghiên cứu. Tuần này, một thử nghiệm khác bắt đầu với một loại thuốc gọi là remdesivir. Các chất khác cũng đang được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem liệu chúng có thể chống lại virus này hay không. Các loại thuốc hoàn toàn mới cũng đã bắt đầu được phát triển.
Chúng ta cần tất cả điều này bởi vì cho đến nay, chúng ta chưa có gì được chứng minh là có thể chống lại Covid-19. Các bác sĩ chỉ có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nguy kịch.