Theo Guardian, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thời tiết từ 732 địa điểm ở 43 quốc gia từ năm 1991 đến năm 2018, rồi mô phỏng chúng theo hai kịch bản có và không có khí thải từ con người.
Khi so sánh số người tử vong trong hai kịch bản, họ phát hiện ra số người chết trong kịch bản có khí thải cao hơn kịch bản còn lại đến 37%. Trong đó, các khu vực có chênh lệch trên 50% là Tây Nam Á, Đông Nam Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Giáo sư Antonio Gasparrini của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, một trong nhiều người tham gia nghiên cứu trên, cho rằng kết quả nghiên cứu càng làm rõ tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, ngay cả ở những giai đoạn tương đối sớm.
Người dân bang Karachi, Ấn Độ phải nằm ngủ trên vỉa hè để tránh nóng, trong bối cảnh điện thiếu hụt. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta không cần phải chờ đến năm 2050 để thấy số ca tử vong do sốc nhiệt tăng lên", Giáo sư Gasparrini nhấn mạnh.
Ngoài tử vong, nhiệt độ tăng cũng dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, như bệnh tim mạch và hô hấp. Tiến sĩ Ana Vicedo-Cabrera từ Đại học Berne, tác giả chính của nghiên cứu, tin rằng biến đổi khí hậu khiến cho những bệnh liên quan đến sốc nhiệt ngày càng nhiều, qua đó làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) 26 sắp được tổ chức.
"(Nghiên cứu này) đã nhấn mạnh sự cấp thiết của hành động toàn cầu, nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính", Clare Goodess, một thành viên của nghiên cứu, bình luận.