Các nhà khoa học đã phát hiện ra cá mập voi ăn cả rong biển cùng loài nhuyễn thể khi đang nghiên cứu ở các rạn san hô Ningaloo, nằm ngoài khơi miền Tây Australia, Guardian đưa tin ngày 25/7.
Điều này có nghĩa cá mập voi sẽ “truất ngôi" gấu Kodiak và trở thành loài động vật ăn tạp lớn nhất thế giới. Nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Ecology.
“Mọi thứ chúng ta nghĩ rằng mình biết có thể không thực sự đúng”, tiến sĩ Mark Meekan, nhà sinh vật học từ Viện Khoa học Biển Australia, cho hay.
“Chúng tôi đã thấy (cá mập voi) đến Ningaloo và chúng tôi đã thấy chúng ăn động vật giáp xác nhỏ”, ông nói thêm.
Các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện thói quen ăn uống mới của cá mập voi. Ảnh: Reuters. |
Các nhà khoa học sau đó đã phân tích cẩn thận các nguồn thức ăn cá mập voi có thể ăn, từ các sinh vật phù du nhỏ bé đến rong biển, để tìm axit amin và axit béo. Sau đó, họ xem xét những gì có trong các mẫu da của cá mập voi.
“Nghiên cứu này cho thấy chúng đang ăn khá nhiều thực vật, trên thực tế nhiều hơn là loài nhuyễn thể”, ông Meekan nói.
Ông tin rằng kích thước to lớn của cá mập voi đã thúc đẩy một phản ứng tiến hóa, biến những thứ chúng kiếm được - như rong biển sargassum nâu phổ biến ở Ningaloo - thành thức ăn.
“Đây là những con vật rất lớn và chúng cần rất nhiều thức ăn”, ông Meekan nói. “Nhưng phải tốn rất nhiều năng lượng để chúng có thể mở miệng lớn - giống như một tấm lưới đánh bắt khổng lồ”.
“Và khi ruột đầy thức ăn nhưng cũng chứa rất nhiều tảo, bạn nghĩ chúng sẽ làm gì? Nôn nó ra? Cân nhắc về mặt năng lượng, hành động này sẽ rất lãng phí bởi chúng vừa dành tất cả năng lượng, sức lực của mình để lấy được nó", ông cho biết thêm.
“Vì vậy, cá mập voi đã bỏ qua bước này và tiến hóa để có khả năng tiêu hóa rong biển. Chúng đang biến những thứ bắt được thành một phần trong chế độ ăn uống của mình”, ông chia sẻ.