Cá tầm thìa Trung Quốc và các họ hàng của nó đã tồn tại ít nhất 200 triệu năm, theo National Geographic. Loài vật có thể dài tới 7 m này đã sống sót qua nhiều biến cố của lịch sử tự nhiên - bao gồm đợt tuyệt chủng lớn đã giết chết khủng long trên Trái Đất.
Dù vậy, loài cá này không thể sống sót qua biến cố lớn nhất mà chúng gặp phải trong hàng trăm triệu năm tồn tại: Tác động của con người.
"Mất mát đáng trách và không thể vãn hồi"
Theo báo cáo được công bố hôm 21/7 của Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN), cá tầm thìa Trung Quốc bị xác nhận đã tuyệt chủng.
“Cá thể cuối cùng được quan sát năm 2003. Bất chấp các khảo sát dày đặc, không cá thể còn lại nào được nhận thấy", báo cáo nhận xét. "Không có khả năng một loại sinh vật lớn như vậy có thể tồn tại mà không bị phát hiện. Do đó, loài sinh vật này giờ đây được đánh giá là đã tuyệt chủng”.
Cá tầm thìa Trung Quốc đã chính thức bị IUCN xác nhận tuyệt chủng trong báo cáo hôm 4/7. Ảnh: Wei Qiwei/National Geographic. |
Đây là “mất mát đáng trách và không thể vãn hồi”, giáo sư Wei Qiwei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy sản Trung Quốc đã xác định cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng, cũng là người đã đi tìm loài cá này trong hàng chục năm, tuyên bố.
“Thật đáng buồn”, giáo sư Zeb Hogan, một nhà sinh học cá tại Đại học Nevada, Reno (Mỹ), chia sẻ. “Đây chắc chắn là sự mất mát một loài động vật rất đặc biệt và khác thường mà không có khả năng phục hồi”.
Cá tầm thìa Trung Quốc là một trong hai loại cá tầm thìa trên thế giới, loài còn lại là cá tầm thìa Mỹ - sinh vật đang trong tình trạng bị đe dọa tại lưu vực sông Mississippi.
Đây là tình trạng chung mà mọi loại cá tầm còn lại trên thế giới đang phải đối mặt, theo báo cáo hôm 21/7 của IUCN.
Theo ông Hogan, các loài cá lớn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, mà còn là chỉ dấu cho chất lượng môi trường vì chúng chỉ có thể tồn tại trên các con sông sạch. Một số loài cá nước ngọt lớn đang bị đe dọa hiện nay bao gồm cá tra dầu trên sông Mekong hay cá đuối nước ngọt khổng lồ.
Ông cho rằng sự tuyệt chủng của cá tầm thìa Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo con người cần bảo vệ các loài sinh vật nước ngọt khác. Trong số đó, các loài cá lớn đứng trước nguy cơ đặc biệt, khi phần lớn chủng loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Đây là loài đầu tiên trong số các loài cá nước ngọt lớn ra đi. Nhiều loài khác đang gặp nguy hiểm”, ông nói. “Tôi lo ngại nhiều loài khác sẽ tuyệt chủng. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng rằng chúng ta có thể đảo ngược đà suy giảm trước khi quá muộn”.
Tiêu bản cá tầm thìa Trung Quốc tại Bảo tàng Thủy sinh vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc tại Vũ Hán. Ảnh: AP. |
Tuyệt chủng dưới bàn tay con người
Trong thế kỷ XX, số cá lượng cá thể cá tầm thìa Trung Quốc - loài vật sinh sống trên sông Trường Giang - đã giảm dần do đánh bắt cá quá mức. Trong những năm 1970, khoảng 25 tấn cá được đánh bắt mỗi năm.
Dù vậy, các nhà khoa học kết luận nguyên nhân lớn nhất khiến cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng là các con đập trên sông Trường Giang, đặc biệt là đập Cát Châu Bá trên dòng chính của sông tại tỉnh Hồ Bắc.
Đập Cát Châu Bá không có đường cho cá di chuyển hay đường tránh, khiến loài cá tầm trên không thể tiếp cận khu vực sinh sản ở thượng nguồn - điều chỉ được phát hiện vào cuối thập niên 1970.
Theo nhà sinh vật học Ivan Jaric tại Viện Thủy sinh vật học Czech, số lượng cá thể cá tầm thìa Trung Quốc tiếp tục sụt giảm sau khi con đập được xây dựng, nhưng không ai nhận ra tình hình trầm trọng đến mức nào. Các nhà khoa học đánh giá loài cá này đã tuyệt chủng về chức năng - khi số lượng giảm đến mức không thể duy trì - từ năm 1993.
Dù vậy, trong 10 năm sau đó, loài cá này vẫn được phát hiện. Một số cá thể đã được bắt giữ với hy vọng có thể nhân giống trong môi trường nuôi giữ, nhưng đều thất bại. Năm 2002, một cá thể cái được phát hiện tại Nam Kinh. Bất chấp các nỗ lực ứng cứu, cá thể này đã chết một tháng sau đó.
Năm 2003, giáo sư Wei và các cộng sự gắn thiết bị theo dõi vào một cá thể được họ tìm thấy gần Nghi Tân, Tứ Xuyên. Tuy nhiên, họ bị mất tín hiệu chỉ vài giờ sau khi thả con cá về tự nhiên.
Đây là lần cuối cùng một cá thể cá tầm thìa Trung Quốc được phát hiện.
Đập Cát Châu Bá được coi là nguyên nhân chính khiến cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng. Ảnh: Global Times. |
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Wei đã tìm kiếm tại hàng trăm địa điểm dọc sông Trường Giang với lưới đánh cá, sonar, dụng cụ đánh bắt bằng điện và nhiều kỹ thuật khác. Họ cũng tìm kiếm cả ở những khu chợ thủy sản trên khắp đất nước. Mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả.
Theo các nhà khoa học, các nỗ lực bảo tồn đáng ra cần được bắt đầu từ trước năm 1993, hoặc ít ra từ đầu thập niên 2000. Theo nghiên cứu của giáo sư Wei và các cộng sự, cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng trong khoảng những năm 2005-2010.
Các nhà khoa học cho rằng việc cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng để lại nhiều bài học cho con người về việc bảo tồn các loài cá trên sông Trường Giang nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Theo kết quả khảo sát của giáo sư Wei và cộng sự, họ không thấy 140 loài sinh vật mà họ hy vọng có thể phát hiện. “Chúng ta cần đánh giá về nguy cơ tuyệt chủng của tất cả các loài sinh vật nguy cấp trên sông Trường Giang sớm nhất có thể”, giáo sư Wei nói.
Bên cạnh đó, các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường sống của cá như đánh bắt hay xây đập cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn.
“Chúng ta cần cân bằng giữa nhu cầu của con người và của các loài sinh vật dưới nước”, ông Hogan nói. “Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi”.