Tuyên bố trên được đưa ra bởi Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN) trong báo cáo hôm 21/7. Cũng theo báo cáo, toàn bộ 26 loài cá tầm còn lại trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cao hơn tỷ lệ 85% số loài được ghi nhận hồi năm 2009.
“Đánh giá này dựa trên tính toán mới, vốn cho thấy sự suy giảm trong ba thế hệ vừa qua nghiêm trọng hơn suy nghĩ trước đây”, IUCN nói.
Khách tham quan ngắm một tiêu bản cá tầm thìa Trung Quốc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bắc Kinh hôm 18/6. Ảnh: Global Times. |
Cá tầm thìa Trung Quốc và cá tầm sông Trường Giang vốn sinh sống với số lượng lớn trên sông Trường Giang. Tuy nhiên, môi trường sống của chúng bị ảnh hưởng bởi giao thông đường thủy, đánh bắt quá mức và ô nhiễm nguồn nước.
Sự tuyệt chủng của hai loài cá đã trở thành chủ đề được cư dân mạng Trung Quốc bàn tán rộng rãi trên mạng xã hội Weibo ngày 22/7.
“Một sinh vật đã sống 150 triệu năm bị nền văn minh hiện đại làm tuyệt chủng. Tôi muốn hỏi là văn minh của chúng ta ở đâu?”, một tài khoản bình luận.
Cá tầm thìa Trung Quốc có thể dài đến 7 m khi trưởng thành và là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Chúng bị IUCN đưa vào danh sách “đặc biệt nguy cấp” từ năm 1996.
Trong khi đó, cá tầm sông Trường Giang - loài sinh vật có thể dài đến 8 m - rất nhạy cảm với tiếng động trong nước. Thịt cá được coi là một món đặc sản tại Trung Quốc, trong khi trứng của chúng cũng được ưa thích.
Trung Quốc đã có chương trình gây giống cho cá tầm sông Trường Giang, nhưng không thể duy trì quần thể này trong tự nhiên. Nước này cũng đã cấm đánh bắt cá trên một số đoạn sông Trường Giang từ năm 2021.
“Mọi người hãy ủng hộ lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử và bảo vệ các quần thể vẫn còn tồn tại”, một tài khoản viết.