Theo CNN, nhóm gồm 11 nhà địa chất học đã đưa ra nhận định rằng vùng đất nằm trên Thái Bình Dương ở phía đông Australia, bao gồm lãnh thổ New Zealand và New Caledonia, có thể được coi là một lục địa độc lập. Họ đặt tên cho lục địa này là Zealandia.
Zealandia có diện tích khoảng 4,9 triệu km2 và được coi là lục địa nhỏ nhất trên Trái Đất. Đây đồng thời là lục địa trẻ nhất, mỏng nhất và ngập trong nước nhiều nhất (với 94% diện tích lục địa nằm dưới mực nước biển).
Zealandia là lục địa mới được khám phá trên Trái Đất. Ảnh: GSA Today. |
"Đây là một lục địa ngập dưới nước và chưa bị nứt vỡ. Điều này khiến nó trở nên hữu ích và kích thích các chuyên gia nghiên cứu sự gắn kết cũng như nứt vỡ của lớp vỏ lục địa", nhóm các nhà khoa học khẳng định.
Zealandia hội tụ đủ 4 đặc điểm của một lục địa: có độ cao và độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), có diện tích đủ lớn.
Thực tế, khái niệm "Zealandia" được các nhà khoa học đề cập vào năm 1995. Họ đã nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua nhằm khẳng định nó bao gồm một lớp vỏ địa chất đủ lớn để được gọi là một lục địa.
Zealandia là lục địa thứ 7 được khám phá. Trước đó, Trái đất được chia làm 6 lục địa: Phi, Á - Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Úc.