"Chúng tôi không biết tại sao bầy cá voi này lại lao vào bờ", ông Daren Grover, trưởng nhóm tình nguyện Project Jonah trợ giúp cứu hộ, nói với AFP. "Có lẽ chúng nhận được tín hiệu từ những con cá voi trên bờ. Đây là điều rất bất thường, chúng tôi chưa từng gặp".
Bầy cá mới mắc cạn nằm cách xa địa điểm cũ gần 2 km. Nhân viên kiểm lâm Mike Ogle, thuộc Bộ Bảo tồn New Zealand, cho rằng chúng có thể đã bị một con cá mập đe dọa nên phải bơi đến vùng nước nông.
"Xác của một con cá voi có vết cá mập cắn. Tuy chỉ là vết cắn nhỏ nhưng còn khá mới, nên có thể có điều gì đó ngoài kia", ông Ogle nói. Ông cho biết thêm rằng vùng biển mũi Farewell là nơi sinh sống của cá mập trắng lớn.
Đội ngũ cứu hộ tìm cách cứu cá voi mắc cạn tại mũi Farewell, phía nam New Zealand, hôm 11/2. Ảnh: AFP. |
Hôm 10/2, người dân phát hiện 416 con cá voi hoa tiêu bị mắc cạn trên bờ biển thuộc Đảo Nam của New Zealand, trong đó gần 300 con đã chết. Khoảng 500 người, gồm nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên, lợi dụng thủy triều đưa được khoảng 100 con còn sống ra biển.
Họ đã liên kết đứng thành hàng trên biển nhằm ngăn những con được giải cứu lại quay vào bờ. Tuy nhiên, việc này tạm dừng khi trời tối vì lý do an toàn. Công việc cứu hộ tiếp tục diễn ra trong ngày 11/2 nhưng đến cuối buổi chiều, 200 con cá voi khác lại lao vào bờ.
Đội ngũ cứu hộ đã đắp chăn và xối nước lên cơ thể những con cá còn thoi thóp với hy vọng cứu chúng. Xác cá chết được đánh dấu X nằm thành 3-4 hàng dài hàng trăm mét. Khoảng 20 con cá trong tình trạng nguy kịch được trợ tử vì lý do nhân đạo.
Đây là vụ cá voi mắc cạn lớn thứ ba từ trước đến nay tại New Zealand. Trong khi đó, mũi Farewell đã chứng kiến ít nhất 9 vụ mắc cạn của cá voi trong một thập kỷ qua.
Cá voi hoa tiêu trưởng thành có thể dài đến 6m. Đây là loài cá voi phổ biến nhất trên vùng biển New Zealand.