Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạy đua với thời gian giải cứu cá voi mắc cạn ở New Zealand

Khoảng 500 người, gồm nhân viên bảo tồn và tình nguyện viên, đã chạy đua với thời gian nhân lúc thủy triều lên để giải cứu những con cá voi mắc cạn sau khi hàng trăm con đã chết.

Người dân New Zealand giải cứu cá voi mắc cạn Khoảng 500 người New Zealand gác lại mọi công việc, tham gia giải cứu hàng trăm con cá voi mắc cạn ở Mũi Farewell vào ngày 10/2.

Những tiếng thở và tiếng rên nhè nhẹ đã đánh thức Cheree Morrison vào lúc tờ mờ sáng. Khi bình minh ló dạng, cô chợt nhận ra một khung cảnh kinh hoàng. Hơn 400 con cá voi mắc cạn trên bờ biển.

Khoảng 275 con trong số đó đã chết trước khi Morrison và 2 đồng nghiệp tìm thấy chúng trên bờ biển mũi Farewell thuộc Đảo Nam của New Zealand.

Trong vài giờ, hàng trăm nông dân, khách du lịch và học sinh đã chạy đua với thời gian để cứu sống khoảng 140 con cá voi còn thoi thóp. Đây là lần cá voi mắc cạn lớn thứ ba trong lịch sử New Zealand.

'Tôi đã khóc hết nước mắt'

Morrison, một biên tập viên tạp chí, phát hiện bầy cá sau khi lên đường đi "săn" bình minh cùng một nhiếp ảnh gia và một hướng dẫn viên.

"Bạn có thể nghe thấy tiếng phun nước, tiếng rên”, cô cho hay. “Những con còn nhỏ là thảm nhất. Khóc là cách duy nhất bạn có thể làm để mô tả cảnh tượng”.

Xác những con cá voi lớn nhỏ nằm rải rác thành nhiều hàng dài hàng trăm mét. Chúng nằm lăn trên cát với vây đuôi vẫn giương cao.

ca voi mac can o New Zealand anh 1
Người dân tìm mọi cách giải cứu những con cá voi mắc cạn. Ảnh: Reuters.

Nhóm của Morrison báo với chính quyền và những người tình nguyện nhanh chóng xuất hiện cùng đồ lặn, xô chậu. Vẫn mặc quần jean và giày vải, Morrison lội xuống nước và làm mọi điều cô có thể để lật những cá voi còn sống nằm thẳng, giúp chúng có thể hít thở dễ dàng.

“Tôi đã khóc hết nước mắt khi rời khỏi đó”, cô nói. “Chúng tôi biết rằng mình gần như không thể làm được gì".

Nhóm cứu hộ Project Jonah (Dự án Jonah) cho biết có tất cả 416 con cá voi bị mắc cạn. Khi thủy triều lên cao, các tình nguyện viên đã đưa được 50 con còn sống về biển, trong khi vẫn còn khoảng 80 - 90 con nằm lại.

Tôi đã khóc hết nước mắt khi rời khỏi đó. Chúng tôi biết rằng mình gần như không thể làm được gì.

Cheree Morrison, biên tập viên tạp chí

Sau đó, tình nguyện viên liên kết đứng thành hàng trước biển để ngăn những con được cứu bơi ngược vào bờ và mắc cạn lần nữa. Kết quả phải đợi một ngày mới có thể khẳng định. Họ cũng lên kế hoạch giải cứu những con còn lại vào ngày hôm sau.

Thủy triều là cơ hội duy nhất

Mũi Farewell, một trảng cát tựa lưỡi câu "móc" vào biển Tasman, dường như đã làm bối rối đàn cá voi này. Đây cũng là địa điểm xảy ra hàng loạt vụ mắc cạn trước đây.

Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết khoảng 500 tình nguyện viên đã tham gia vào hoạt động cứu hộ cùng các nhân viên bảo tồn trên bãi biển.

Kiểm lâm viên cộng đồng Kath Inwood cho biết các tình nguyện viên vẫn tiếp tục giữ ẩm và làm mát cho những con cá voi sống sót bằng cách đắp chăn và đổ nước lên cơ thể chúng.

Thủy triều là cơ hội duy nhất của các tình nguyện viên cũng như bầy cá. Nhiều người dự định quay lại vào giờ triều cường ngày 11/2 để đưa cá voi về biển, bao gồm những con mắc cạn lần hai.

ca voi mac can o New Zealand anh 2
Những con cá voi đã chết được đánh dấu X. Đây là vụ cá voi mắc cạn lớn thứ ba tại New Zealand. Ảnh: Reuters.

Nhiều giả thuyết từng được đưa ra để lý giải nguyên nhân cá voi mắc cạn, bao gồm việc chúng đuổi theo con mồi quá gần bờ cho đến việc chúng cố bảo vệ một thành viên bị ốm trong bầy.

Inwood cho biết hầu như mỗi năm đều có cá voi mắc cạn tại mũi Farewell, nơi thỉnh thoảng vẫn được mô tả như một cái bẫy đối với bầy cá. Đường bờ biển dài và các bãi biển thoai thoải tại đây dường như khiến cá voi khó di chuyển ra xa một khi chúng lỡ đến gần.

Bãi biển khá xa và vắng vẻ. Từ đây đến sân bay địa phương gần nhất tại thành phố Nelson mất khoảng 3 giờ đi xe cộng với 15 phút đi bộ.

Nhân viên bảo tồn cho biết với số lượng cá chết nhiều như vậy, những con sống sót chưa được giải cứu có khả năng đang ở trong tình trạng rất xấu. Tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu chúng tiếp tục phơi mình trên cạn.

New Zealand là một trong những nơi có tỷ lệ cá voi mắc cạn lớn nhất trên thế giới. Vụ lớn nhất xảy ra vào 1918 khi 1.000 con cá voi hoa tiêu dạt vào bờ ở đảo Chatam. Năm 1985, khoảng 450 con cá voi bị mắc cạn tại Auckland.

“Điều này thật là đau lòng”, Morrison nói. “Vô cùng đau lòng".

Người New Zealand đổ xô ra biển giải cứu cá voi

Hơn 500 người New Zealand ngừng mọi công việc để tham gia giải cứu những con cá voi mắc cạn tại bờ biển thuộc Mũi Farewell của nước này trong ngày 10/2.

Hơn 400 cá voi mắc cạn ở bờ biển New Zealand sau một đêm

416 con cá voi hoa tiêu đã mắc cạn ở Mũi Farewell (New Zealand) sáng sớm ngày 10/2. Chính quyền và người dân chỉ cứu được hơn 100 con.

Triều Trinh - Đông Phong (theo AP)

Bạn có thể quan tâm