Hóa thạch mới được phát hiện ở Nam Phi thuộc về họ hàng của khủng long sấm Brontosaurus, thuộc chi khủng long chân thằn lằn. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài mới là Ledumahadi mafube, nghĩa là “tiếng sét lớn lúc bình minh” trong tiếng Sesotho, ngôn ngữ bản địa nơi hóa thạch được tìm thấy. Với cân nặng khoảng 11,8 tấn, Ledumahadi có kích thước gấp đôi một con voi châu Phi lớn.
“Cái tên phản ánh kích thước vĩ đại của con vật và cũng thể hiện được rằng dòng dõi của nó xuất hiện từ thời kỳ đầu của thế hệ khủng long chân thằn lằn cổ dài. Cái tên ca ngợi cả di sản hiện đại và cổ đại của Nam Phi”, CNN dẫn lời tác giả nghiên cứu Jonah Choiniere, giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi.
Hình ảnh con khủng long Ledumahadi mới được phát hiện. Ảnh: Đại học Witwatersrand.
|
Nghiên cứu được công bố hôm 27/9 trên tạp chí Current Biology phát hiện được rằng ngoài kích cỡ khổng lồ, còn nhiều chi tiết về tiến hóa làm nên sự độc đáo của loài khủng long mới.
“Nó cho chúng ta thấy cách đây tận 200 triệu năm, các con vật này là loài có xương sống lớn nhất từng bước đi trên Trái Đất”, ông Choiniere nói.
Cuộc tiến hóa thử nghiệm
Hồi năm 2012, Blair McPhee, nghiên cứu sinh do giáo sư Choiniere hướng dẫn, phát hiện xương của một loài khủng long chưa được xác định.
“Blair nói với tôi suy nghĩ của cậu ấy về tầm quan trọng của nó và thậm chí còn cho tôi xem một số khúc xương lộ ra khỏi những tảng đá ở địa điểm khảo cổ”, ông Choinere nói.
Qua nhiều năm khai quật, nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch một con khủng long trưởng thành, khoảng 14 tuổi khi chết.
Ledumahadi là họ hàng với khủng long cổ dài Sauropod ăn cỏ và di chuyển bằng tứ chi. Tuy nhiên, hóa thạch hé lộ một thông tin quan trọng là Ledumahadi tiến hóa sớm hơn và độc lập với Sauropod.
Sauropod có các chi hình trụ, giống voi, nhưng chúng tiến hóa từ loài tổ tiên vốn di chuyển chủ yếu bằng hai chân. Việc chuyển sang đi bằng tứ chi để thích nghi đã khiến Sauropod phát triển kích thước lớn hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa thực vật.
Các nhà khoa học tin rằng Ledumahadi là loài xuất hiện trong giai đoạn chuyển tiếp, nói cách khác, bản thân nó là một cuộc tiến hóa thử nghiệm trong thời kỳ Jura Sớm. Hai chi trước của loài này cong khuỵu trong khi hai chi sau to, dày để đỡ cơ thể.
“Điều đầu tiên khiến tôi chú ý về con vật này là sự cứng cáp và kích thước khó tin của xương chi. Chúng to bằng xương của một con Sauropod khổng lồ. Tuy nhiên, chân của Sauropod thường thon hơn còn của Ledumahadi rất dày”, ông McPhee, tác giả dẫn đầu nghiên cứu, nói.
Một số mảnh xương của con khủng long Ledumahadi. Ảnh: Current Biology. |
Để xác định Ledumahadi đi bằng 2 hay 4 chân, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp mới để kiểm chứng. Họ tổng hợp dữ liệu về kích thước và độ lớn của chân các loài khủng long, động vật và bò sát. Việc so sánh thông số thu thập từ hóa thạch với bộ dữ liệu cho phép họ xác định hình dáng của loài vật.
Phương pháp này giúp chứng minh được Ledumahadi đi bằng 4 chân, đồng thời chỉ ra rằng nhiều cổ loài tương tự cũng từng thử thích nghi với việc đi bằng tứ chi.
“Quá trình tiến hóa của Sauropod không đơn giản như chúng ta từng nghĩ. Có vẻ chúng trải qua ít nhất hai dạng tiến hóa 4 chân trước khi có khả năng di chuyển với các chi đứng thẳng”, Choiniere nói.
"Cái nôi" hệ sinh thái Nam Phi
Loài khủng long mới được phát hiện có quan hệ gần với những con khủng long khổng lồ từng sống cùng niên đại ở Argentina. Điều này tiếp tục là bằng chứng cho thấy các châu lục trước kia gắn kết thành khối siêu lục địa Pangea, chiếm phần lớn đất liền trong kỷ Jura Sớm.
“Khủng long có thể đã dễ dàng đi từ Johannesburg tới Buenos Aires vào giai đoạn đó”, ông Choiniere nói.
Ledumahadi là con khủng long chân thằn lằn khổng lồ đầu tiên. Ảnh: Đại học Wits. |
Ledumahadi là một trong rất nhiều loài khủng long từng sống ở tỉnh Free State, Nam Phi nhưng địa hình khu vực này 200 triệu năm trước rất khác so với bây giờ. Thay vì đồi núi hiện tại, vùng này trước kia là đất bằng phẳng và bán khô hạn. Những dòng suối nông có thể dễ dàng cạn khô.
“Hệ sinh thái khủng long phát triển mạnh ở đây, tại Nam Phi, khu vực dưới cùng của thế giới. Tại đây có những ‘gã khổng lồ’ 12 tấn như Ledumahadi, khủng long ăn thịt nhỏ như Megapnosaurus, những động vật có vú đầu tiên, một số loài rùa cổ và rất nhiều loài khác”, ông Choinere chia sẻ.
Nhóm các nhà khoa học đang tiếp tục tìm kiếm hóa thạch ở Nam Phi từ kỷ Trias và Jura. Việc tìm ra Ledumahadi làm phong phú thêm kho tàng những phát hiện nổi bật tại Nam Phi.
“Đất nước chúng tôi không chỉ là cái nôi của loài người mà còn có hóa thạch giúp chúng ta hiểu hơn về sự phát triển của những loài khủng long khổng lồ”, CNN dẫn lời Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nam Phi Mmamoloko Kubayi-Ngubane.
“Đây là một ví dụ nữa cho thấy Nam Phi đi con đường đúng đắn dù còn nhiều khó khăn và đạt được những đột phá khoa học quan trọng mang tầm quốc tế dựa trên lợi thế địa lý. Chúng tôi cũng đang nỗ lực trong thiên văn học, nghiên cứu cực và đại dương, tri thức bản địa và đa dạng sinh học”, bộ trưởng chia sẻ.