Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edinburgh và Học viện Khoa học Trung Quốc vừa công bố phát hiện mới về dấu chân khủng long trên Tạp chí Địa chất học Scotland vào ngày 2/4. Họ đã khai quật 50 dấu chân khủng long từ 170 triệu năm trước tại hòn đảo Skye, phía tây bắc Scotland.
Tại đầm bùn ở Brother's Point, các nhà khoa học tìm thấy dấu chân của 2 loài khủng long - khủng long cổ dài sauropod và khủng long chân thú theropod có họ hàng với khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex.
Dấu chân của loài khủng long cổ dài được tìm thấy ở đảo Skye có niên đại 170 triệu năm. Ảnh: AFP. |
Phát hiện mới giúp các nhà nghiên cứu vẽ nên bức tranh toàn cảnh hơn về cuộc sống của loài sinh vật tiền sử. Steve Brusatte, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích với CNN rằng một sinh viên phát hiện ra những dấu vết mới vào năm 2016 trong chuyến đi tới Skye.
“Chúng tôi thường xuyên tới đó để săn tìm dấu chân khủng long và những dấu vết sót lại. Khi thủy triều rút tại đầm phá, chúng tôi nhận ra những dấu vết mới”, ông kể lại. Các nhà khoa học sử dụng máy bay camera để chụp ảnh và vẽ bản đồ khu vực.
Theo ông Brusatte, những dấu chân to bằng lốp ôtô là dấu vết sót lại của khủng long cổ dài. Các nhà khoa học tin rằng sinh vật này nặng hơn 10 tấn và dài 15 m. Trong khi đó, dấu chân của loài khủng long chân thú theropod có kích thước khoảng 50 cm.
Một trong 50 dấu chân khủng long được tìm thấy tại đảo Skye. Ảnh: Tạp chí Địa chất học Scotland. |
Ông Brusatte nhận định những dấu chân của khủng long chân thú tại đầm là dấu hiệu cho thấy loài ăn thịt có thể đã sống quanh khu vực này khi chúng không đi săn.
“Mọi hóa thạch tìm được đều là manh mối về lịch sử cổ đại", nhà nghiên cứu cho rằng cần tổ chức nhiều chuyến đi tới đảo Skye để khám phá thêm về hành vi của loài khủng long Kỷ Trung Jura.