Theo AFP, dữ liệu lấy từ tàu quỹ đạo Mặt trăng Mặt trăng SELENE của Nhật Bản đã khẳng định sự tồn tại của hang động dài 50 km và rộng 100 m này. Nó được cho là một ống dung nham tạo ra bởi hoạt động núi lửa cách đây khoảng 3,5 tỷ năm.
"Chúng tôi đã biết về những nơi được gọi là ống dung nham này, nhưng đến tận bây giờ mới có thể khẳng định sự tồn tại của chúng", AFP dẫn lời Junichi Haruyama, nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản.
Theo Haruyama, hang động nằm dưới khu vực đồi Marius sẽ giúp bảo vệ phi hành gia trước sốc nhiệt và bức xạ nguy hiểm khi tiếp xúc với bề mặt Mặt Trăng. "Chúng tôi chưa thực sự quan sát được phía trong hang động nên rất hy vọng việc khám phá nó sẽ mang lại nhiều thông tin hơn", chuyên gia cho hay.
Phát hiện quan trọng này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Hồi tháng 6, Nhật Bản tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030. Đó là lần đầu tiên Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ Trụ Nhật Bản cho biết họ muốn gửi một phi hành gia vượt ra ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Nhật Bản dự định gửi phi hành gia tham gia sứ mệnh xây dựng trạm không gian ở quỹ đạo Mặt Trăng của NASA vào năm 2025. NASA và các cơ quan vũ trụ khác trên toàn thế giới đang nỗ lực để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa những năm 2030.
Cuối tháng 9, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) và NASA đã thông báo sẽ cùng hợp tác xây dựng một trạm không gian mới có tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) trong quỹ đạo của Mặt Trăng.
Đây sẽ là căn cứ quốc tế cho con người và robot thăm dò Mặt Trăng và là điểm dừng cho các tàu vũ trụ.