Một quả cầu kim loại nặng 84 kg, có đường kính 58 cm, thời nay Sputnik sẽ được coi là một vệ tinh “mini”, nhưng ý nghĩa lịch sử của Sputnik cách đây 60 năm không hề nhỏ. Cuộc chạy đua công nghệ do Sputnik mở ra giữa Liên Xô với Mỹ sẽ mang lại vô số ứng dụng cho toàn thế giới.
Không lâu sau khi được phóng lên từ Kazakhstan tối ngày 4/10/1957, vệ tinh Sputnik phát ra những tiếng “bíp - bíp - bíp” đều đặn qua sóng vô tuyến. Các nhà khoa học Liên Xô đợi thêm 90 phút để xác nhận Sputnik đã bay hết một vòng trái đất, trước khi hãng thông tấn Liên Xô TASS công bố thông tin.
Phát súng ở vạch xuất phát
Những tiếng “bíp” của Sputnik nhanh chóng được những người đam mê radio khắp thế giới bắt được, và những đoạn ghi âm nhanh chóng được các đài đưa tin khiến cả thế giới thán phục thành tựu của Liên Xô.
Paul Dickson là một nhà báo tự do người Mỹ và tác giả của cuốn sách “Sputnik: Cú sốc của thế kỉ”. Những người sinh trước thập kỉ 50 như ông có thể nhớ rõ mình đang ở đâu khi nghe tin về Sputnik. Ông vẫn còn nhớ sự kinh ngạc và thích thú khi đó.
“Tôi cảm thấy Sputnik như một phát súng ở vạch xuất phát bắt đầu một cuộc chạy đua đầy hấp dẫn. Tôi rất phấn khích vì được chứng kiến điểm khởi đầu của kỉ nguyên vũ trụ”, ông viết cho đài PBS (Mỹ).
Sputnik không mang theo một thí nghiệm khoa học nào, và cũng không làm gì khác ngoài phát tiếng “bíp”. Tuy vậy, phân tích sự khác biệt của tiếng “bíp” lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn, giới khoa học Liên Xô có thể tìm hiểu thêm về mật độ electron trên tầng điện li của bầu khí quyển.
Vệ tinh Sputnik đặt trên chiếc ghế 3 chân. Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik vào vũ trụ năm 1957, biến nó thành vật thể nhân tạo đầu tiên bay quanh trái đất. Ảnh: Hãng thông tấn Nga/AP. |
Thành tựu của "toàn thể người dân Liên Xô"
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, nhờ thu nạp các chuyên gia tên lửa của Adolf Hitler, Liên Xô tập trung xây dựng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên R-7 có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ, theo hãng tin AP.
Tuy nhiên Sergei Korolyov, trưởng nhóm nghiên cứu R-7, có ước mơ lớn hơn. Ông hối thúc các lãnh đạo quân đội Liên Xô dùng tên lửa này để phóng vệ tinh bay quanh trái đất, ý tưởng mà họ không muốn.
Nhưng trước đó, năm 1955, Mỹ đã công bố kế hoạch phóng vệ tinh để đóng góp vào Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế, một dự án khoa học gồm hơn 60 quốc gia kéo dài từ 1/7/1957 – 31/12/1958, khi mặt trời phát đi một lượng lớn bức xạ. Lo sợ chậm chân hơn Mỹ, lãnh đạo Liên Xô chấp thuận yêu cầu của Korolyov.
Vì muốn đi trước người Mỹ, Korolyov hủy bỏ kế hoạch ban đầu là phóng một vệ tinh phức tạp hơn, nặng 1 tấn và mang theo nhiều thiết bị khoa học. Thay vào đó là Sputnik chỉ mất vài tháng chế tạo và được đặt tên là PS-1 viết tắt của “Prosteishiy Sputnik” có nghĩa “Tên lửa Đơn giản nhất”.
Ông chọn thiết kế vệ tinh hình cầu vì theo lời ông, “Trái đất hình cầu, nên vệ tinh đầu tiên của trái đất cũng nên có hình cầu”.
Theo AP, tuy là kiến trúc sư trưởng đằng sau thành công vang dội của Sputnik, Korolyov không được đề cập tới trong bất cứ tài liệu nào của thời đó. Liên Xô giữ kín chương trình tên lửa, và vai trò then chốt của Korolyov chỉ được một nhóm nhỏ các kĩ sư và lãnh đạo Liên Xô biết đến.
Ủy ban Nobel muốn đề cử người thiết kế Sputnik cho giải Nobel, nhưng lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã từ chối, và nói thành tựu này thuộc về “toàn thể người dân Liên Xô”.
Tuy nhiên con gái của Korolyov, Natalia, nhớ lại cha của bà đôi khi cảm thấy “cay đắng” về sự giấu giếm này. “Chúng tôi như những người thợ mỏ - chỉ làm việc trong lòng đất”, bà nhắc lại lời cha mình, “không ai nghe thấy chúng tôi”.
Cú sốc với người Mỹ
Tuy hai cường quốc Mỹ và Liên Xô đều dốc sức chạy đua vũ trang, không có nhiều người biết rõ các bước tiến của Liên Xô.
Vì vậy, Sputnik gây một cú sốc và khiến công chúng Mỹ “phát hoảng”, theo Michael Khodarkovsky, một sử gia chuyên về Nga và thế kỉ 20 ở Đại học Loyola, Chicago, nói với báo New York Times.
Người Mỹ phát hoảng trước những cái tít lớn gọi Sputnik là “mặt trăng” của người Nga đang bay trên đầu mình. Tờ New York Times tuyên bố nước Mỹ đang trong cuộc chạy đua “sống còn”. Lyndon Johnson, đang là thượng nghị sĩ, cảnh báo "ai làm chủ không trung sẽ làm chủ thế giới".
Trong khi cả thế giới bàng hoàng, lãnh đạo Liên Xô có vẻ không nắm được quy mô của Sputnik. Theo AP, bản tin đầu tiên về Sputnik ngắn gọn và được vùi sâu trong các trang sau của Pravda, nhật báo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Phải tới 2 ngày sau mới có một cái tít lớn về sự thán phục của thế giới.
Trang nhất tờ báo chính thức của Liên Xô Komsomolskaya Pravda (bên trái) ngày 6/10/1957, 2 ngày sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik (bên phải). Ảnh: Getty Images. |
Mỹ - Liên Xô chạy đua, khoa học thắng lớn
Phấn khích vì tiếng vang của Sputnik, điện Kremlin ra lệnh cho phóng vệ tinh Sputnik 2 ngày 3/11/1957 để kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Sputnik 2 đem theo hành khách đầu tiên đi vào không gian, một con chó cái tên Laika. Tuy Laika không sống được lâu, chuyến bay chứng tỏ sinh vật sống có thể bay vào vũ trụ.
Liên Xô còn nhanh chân hơn Mỹ khi phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và vòng quanh trái đất ngày 12/4/1961, trước John Glenn của Mỹ 10 tháng.
Năm 1959, Luna 2 của Liên Xô là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh xuống mặt trăng, và qua đó chụp được hình nửa tối của mặt trăng vốn không thấy được từ trái đất. Đến năm 1965, phi hành gia Liên Xô Alexey Leonov là người đầu tiên rời tàu vũ trụ để "đi bộ ngoài không gian" trong vòng 12 phút.
Bị Liên Xô dẫn trước, Mỹ buộc phải dốc toàn lực vào khoa học và công nghệ. Luật “Giáo dục vì Quốc phòng” cho vay lãi suất thấp đối với sinh viên theo học toán và khoa học. Tiền hỗ trợ được bơm vào ngành khoa học ở các trường. Các dự án lớn bao gồm NASA (Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Quốc gia) và DARPA (Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến) – chính là tiền thân của mạng Internet.
“Vệ tinh của Nga buộc Mỹ phải đặt nghiên cứu khoa học làm mục tiêu quốc gia, dẫn đến việc phát triển công nghệ vi điện tử - công nghệ được dùng cho laptop và thiết bị cầm tay ngày nay. Nhiều công nghệ thiết yếu của cuộc sống hiện đại, bao gồm Internet, khởi đầu từ việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sau Sputnik”, ông Dickson viết cho PBS.
Sputnik tiếp tục "bíp" cho đến khi hết năng lượng vào ngày 26/10/1957, 22 ngày sau khi rời mặt đất. Ngày 4/1/1958, Sputnik tự cháy khi trở lại bầu khí quyển, hoàn thành 1.440 vòng quanh quỹ đạo với tổng quãng đường dài 70 triệu km.
Năm 1969, phi hành gia Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, và bước “một bước đi vĩ đại cho cả nhân loại”. Các chuyên gia cho rằng nếu không có cú sốc Sputnik cùng với sự ủng hộ của dư luận cho khoa học và công nghệ, sẽ mất nhiều năm nữa người Mỹ mới đặt chân lên mặt trăng.
Công nghệ vũ trụ bắt đầu từ thành công của Sputnik cũng dẫn đến những tiến bộ công nghệ đem lại ứng dụng to lớn cho nhân loại: viễn thông, dự báo thời tiết, định vị toàn cầu, khám phá vũ trụ.
Một trong những uớc mơ lớn sắp tới của NASA sẽ là đưa người đặt chân đến Sao Hỏa trước năm 2030. Mục tiêu vĩ đại này phần nào bắt nguồn từ những tiếng "bíp" đơn giản, đều đặn của 60 năm trước.
Vệ tinh hiện đại có nhiều ứng dụng, như định vị toàn cầu, dự báo thời tiết, theo dõi môi trường, lập bản đồ các tảng băng trôi, ứng phó thảm họa. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. |