Ngày 16/6, chuẩn tướng Sabata Mokgwabone nói với AFP rằng cảnh sát Nam Phi đã phát hiện 5 thi thể bên ngoài một hầm mỏ đã bỏ hoang vào ngày 14/6 và 15 thi thể khác được tìm thấy dọc đường Ariston, gần tuyến đường sắt vào ngày 15/6.
Các nạn nhân được cho là những thợ mỏ trái phép - được biết đến với tên gọi “zama zamas” (có nghĩa là “những người thử vận may”) - thường hoạt động ở các khu vực Orkney và Stilfontein, cách 200 km về hướng tây nam Johannesburg, Guardian đưa tin ngày 17/6.
Các thi thể này đều được bọc trong túi nhựa trắng và bị "bỏng nặng toàn thân", 14 thi thể trong số đó đã có dấu hiệu phân hủy, cảnh sát Nam Phi cho biết thêm.
Giới chức nước này đang làm rõ nguyên nhân của vụ việc.
Các "zama zamas" đang khai thác kim cương ở Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Theo Ủy ban Nhân quyền Nam Phi (SAHRC), có hàng nghìn “zama zamas” trên khắp cả nước, hầu hết đều tập trung ở Johannesburg - thủ đô thương mại của Nam Phi, nơi được xây dựng nhờ một số mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Hầu hết hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở Nam Phi do các băng nhóm tội phạm điều hành. Theo báo cáo năm 2018 của Sáng kiến Toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nam Phi thiệt hại hơn một tỷ USD mỗi năm vì hoạt động khai thác trái phép này.
Việc khai thác trái phép cực kỳ nguy hiểm đối với thợ mỏ. Họ có thể bị thương, thậm chí tử vong do chất nổ, bị ngạt khói, sập hầm mỏ hay trở thành nạn nhân của các băng đảng.
Theo Bộ Tài nguyên Khoáng sản Nam Phi, từ năm 2012 đến năm 2015, ước tính hơn 300 thợ mỏ bất hợp pháp thiệt mạng vì các nguyên nhân kể trên.
Năm 2009, ít nhất 82 người - được cho là thợ mỏ bất hợp pháp - đã chết sau một vụ cháy tại một mỏ đang hoạt động thuộc sở hữu của công ty Harmony Gold, Nam Phi.
SAHRC ước tính 300.000 người tham gia vào các hoạt động khai thác mỏ trái phép từ đầu thập kỷ đến 2015. Một số thợ mỏ thậm chí có thể dành tới 6 tháng dưới lòng đất và sống tạm bợ trong điều kiện thiếu thốn và không an toàn.