Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp muốn tham gia dự án cải tạo cầu Long Biên

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho rằng việc cải tạo cầu Long Biên sẽ làm nổi bật giá trị di sản của Hà Nội và bày tỏ mong muốn được tham gia tích cực vào dự án này.

Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh với Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, hai bên đã thảo luận các vấn đề hợp tác, phát triển, trong đó có nội dung về cải tạo cầu Long Biên và dự án đường sắt đô thị số 3.

Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng cầu Long Biên là công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội, phía Pháp mong muốn được tham gia tích cực vào dự án cải tạo cây cầu này. Ông Warnery nhấn mạnh việc cải tạo cầu Long Biên sẽ làm nổi bật giá trị di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đề cập đến dự án đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, ông Nicolas Warnery cam kết đẩy mạnh các mục tiêu đề ra, hướng tới vận hành đoạn đường sắt trên cao cuối năm 2021. Phía Pháp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố để dự án có thể đưa vào khai thác thương mại theo kế hoạch.

Phap muon cai tao cau Long Bien anh 1

Cầu Long Biên có tuổi đời trên 100 năm. Ảnh: Hải Quân.

Cảm ơn thiện chí của Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Chu Ngọc Anh khẳng định việc bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên và các công trình mang tính biểu tượng khác luôn được thành phố chú trọng thời gian tới.

Về tuyến đường sắt đô thị số 3, Chủ tịch UBND thành phố cho biết Hà Nội đặc biệt quan tâm, cùng tháo gỡ vướng mắc và mong muốn hoàn thành đoạn đường sắt trên cao vào quý IV/2021. Tiến độ chung của dự án hiện đạt khoảng 70%, riêng đoạn đường sắt trên cao đạt 85%.

Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh các dự án hợp tác giữa 2 bên đến lúc này cho thấy trách nhiệm, nỗ lực và tâm huyết của Pháp đối với Hà Nội trong từng vấn đề cụ thể. Chủ tịch UBND Hà Nội mong phía Pháp và Đại sứ Nicolas Warnery tiếp tục hỗ trợ thành phố triển khai dự án kỹ thuật về quản lý đô thị bền vững.

Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 đến 1902 với chiều dài 2.290 m bắc qua sông Hồng. Cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.

Với tuổi đời hơn 100 năm, cây cầu hiện xuống cấp trầm trọng. Bộ Giao thông Vận tải, UBND Hà Nội đã nhiều lần đưa ra các phương án cải tạo, thậm chí xây lại cầu Long Biên để đáp ứng nhu cầu giao thông nhưng chưa thực hiện được.

Tước bằng lái tài xế ôtô đi lên cầu Long Biên

Tài xế khai mới lái nên đi nhầm lên cầu Long Biên. CSGT đã phạt người này 1,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm