Theo Telegraph, Pháp sắp triển khai tàu đổ bộ Tonnerre và tàu hộ vệ tên lửa Surcouf thực hiện hai chuyến hải trình qua Biển Đông. Vào tháng 2, hải quân Pháp đã cho tàu ngầm hạt nhân Émeraude tuần tra đột xuất ở khu vực.
Trong khuôn khổ sứ mệnh thường niên Jeanne d'Arc, đội tàu sẽ tham gia diễn tập hàng hải quy mô lớn với một số lực lượng hải quân đối tác, gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ.
Nhiều nước châu Âu đang nỗ lực khẳng định hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách triển khai hải quân ghé thăm khu vực.
Tuần qua, giới chức Đức thông báo một tàu hộ vệ tên lửa của nước này dự kiến khởi hành vào tháng 8 sang châu Á - Thái Bình Dương. Frankfurter Allgemeine cho biết chuyến hải trình sẽ kéo dài 6 tháng.
Tàu đổ bộ có sân bay trực thăng Tonnerre trong cuộc diễn tập tháng 8/2020 cùng Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải. Ảnh: AP. |
Tàu hộ vệ tên lửa Đức di chuyển đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương theo hướng Địa Trung Hải và kênh đào Suez, qua Mallaca đến Australia.
Tàu sau đó di chuyển lên bán đảo Triều Tiên và di chuyển qua Biển Đông trên đường về. Đức dự kiến phối hợp diễn tập cùng nhiều đối tác, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tháng 2 cũng công bố kế hoạch đưa tàu sân bay hiện đại nhất đến Biển Đông trong năm 2021. Trên tàu HMS Queen Elizabeth sẽ có máy bay Mỹ phối hợp hoạt động. Hộ tống đội tàu Anh còn có các tàu chiến của Australia, Nhật Bản và Hà Lan.
Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định mật độ tàu chiến được lên kế hoạch hiện diện ở khu vực trong năm nay là "chưa từng có tiền lệ". Tuy nhiên, ông cho rằng các nước chủ động khẳng định cam kết với khu vực, chứ không cố ý phối hợp hiện diện.