Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, Đức cho tàu chiến di chuyển qua Biển Đông. Thông tin này đã được giới chức cấp cao trong chính phủ Đức xác nhận vào ngày 2/3.
Tàu hộ vệ tên lửa hải quân Đức sẽ không đi vào vùng "12 hải lý" của các thực thể trên Biển Đông, theo thông báo của quan chức quốc phòng và ngoại giao Đức.
Theo Frankfurter Allgemeine, tàu hộ vệ tên lửa Đức sau khi hoàn tất hải trình sẽ cập bến Wilhelmshaven. Chuyến đi nhằm tái khẳng định vai trò mà Đức muốn theo đuổi ở khu vực, đã được nêu trong chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 9/2020. Chính sách này đã chính thức có hiệu lực thông qua nghị quyết của chính phủ Đức vào năm 2020.
Đức mong muốn củng cố vai trò "tác nhân và đối tác sáng tạo" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Berlin vẫn thường xuyên khẳng định việc siết chặt hợp tác ở khu vực không nhằm mục tiêu chống lại Trung Quốc.
Truyền thông Đức nhận định chuyến hải trình phần nào gửi tín hiệu thách thức các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông. Các tuyên bố phi lý này, bao trùm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đã vấp phải phản đối và lo ngại an ninh trong lẫn ngoài khu vực.
Tàu hộ vệ tên lửa Hamburg, lớp Sachsen, của hải quân Đức đi qua kênh đào Suez vào năm 2013. Ảnh: AFP. |
Dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Đức, Frankfurter Allgemeine cho biết Berlin nhìn nhận những biến động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực ngày càng quan trọng về chính trị và kinh tế, sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình trật tự quốc tế tương lai. Việc tăng cường tiếp cận khu vực sẽ đảm bảo những lợi ích của nước Đức.
Giới chức Đức cho biết chuyến hải trình giữa năm nay sẽ củng cố và bảo vệ "những nguyên tắc lẫn giá trị của nước Đức về trật tự đa phương và dựa trên luật lệ, cũng như cam kết của Đức với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển".
Truyền thông Đức cho biết tàu hộ vệ tên lửa sẽ di chuyển đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương theo hướng đi qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez, sau đó đến khu vực Sừng Châu Phi để tham gia các hoạt động hợp tác chống hải tặc. Con tàu tiếp tục di chuyển qua Ấn Độ Dương và qua eo biển Malacca để đến thăm Australia.
Tàu hộ vệ tên lửa Đức sau đó di chuyển dọc theo Tây Thái Bình Dương, hướng lên bán đảo Triều Tiên, phối hợp cùng các đối tác trong một sứ mệnh giám sát trừng phạt Triều Tiên kéo dài vài tuần. Nikkei Asia tháng 1 cho biết tàu chiến Đức có khả năng ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trên đường trở về cảng Đức, tàu hộ vệ tên lửa sẽ đi qua Biển Đông. Dù giới chức Đức cho biết tàu sẽ không đi vào những vùng 12 hải lý đang bị tranh cãi giữa các bên, Đức vẫn ủng hộ phán quyết Biển Đông vào tháng 7/2016. Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đã bác bỏ một số tuyên bố lập trường phi lý từ Bắc Kinh trong đó có cái gọi là "quyền lịch sử" trên Biển Đông.