Ngoại trưởng Đức và người đồng cấp Anh trong một cuộc họp báo tại Berlin hôm 11/9. Ảnh: AFP |
“Pháp ủng hộ quá trình hình thành một nhà nước Iraq toàn diện. Chúng tôi sẽ tham gia chiến dịch không kích nếu cần”, ông Laurent Fabius, Ngoại trưởng Pháp, khẳng định trong một bài phát biểu tại Paris hôm 10/9, RT đưa tin.
Theo ông Fabius, hàng trăm người Pháp đã gia nhập nhóm chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS). Chính phủ Pháp coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Trong khi Paris đang liên kết chặt chẽ với chính phủ Iraq, một sự hợp tác tương tự không thể xảy ra giữa Pháp với chính quyền của Tổng thống Bashar Assad vì "ông ấy đã tạo mối liên kết với IS".
“Đây là lý do chúng tôi vừa phải tiếp tục hỗ trợ phe đối lập tại Syria, vừa chiến đấu với IS và chế độ Assad”, Ngoại trưởng Pháp giải thích.
Ngoại trưởng Pháp đưa ra tuyên bố về việc Paris có thể tham gia các cuộc không kích tại Iraq chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về chiến lược của Washington nhằm đối phó với những kẻ cực đoan đang tung hoành tại hai quốc gia Trung Đông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức và Anh hôm 11/9 khẳng định hai nước sẽ không tham gia các cuộc không kích tại Syria và Iraq nhằm chống lại IS.
“Đức không được mời tham gia, và nếu có, chúng tôi sẽ không làm như vậy”, ông Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức, tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Berlin.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết nước này "ủng hộ hoàn toàn" phương pháp tiếp cận của Mỹ trong việc phát triển một liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, ông Hammond khẳng định Anh sẽ không tham gia vào mọi cuộc không kích tại Syria. “Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này ở quốc hội hồi năm ngoái và chúng tôi sẽ không đề cập lại vấn đề này”, Ngoại trưởng Anh nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/9 cảnh báo việc Mỹ đơn phương tấn công lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Syria là "vi phạm nghiêm trọng" luật pháp quốc tế.
“Tổng thống Mỹ đã bàn trực tiếp về khả năng Washington tấn công IS tại Syria mà chưa nhận sự đồng ý của chính phủ hợp pháp. Quyết định này sẽ trở thành một hành động xâm lược, một sự vi phạm nghiêm trọng đối với các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế nếu chưa nhận quyết định phù hợp từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", Alexander Lukashevich, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu trên truyền hình.