Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phan Vũ: 'Mong được về Hà Nội đọc thơ một lần, rồi chết thôi'

Bất chấp thời gian, tuổi tác, con người Phan Vũ luôn bàng bạc sự trẻ trung, nhiệt huyết, một kẻ chịu chơi và dồi dào năng lượng sáng tạo.

Phan Vũ sinh ra tại Hải Phòng, phần cuối đời ông làm việc và sinh sống ở TP.HCM. Hà Nội là một điểm dừng chân trong cuộc đời dài vắt qua hai thế kỷ của ông. Không phải sống lâu ở Hà Nội, mà chính sự sống sâu, sống kỹ, sống đằm với mảnh đất này đã giúp ông tạo nên tác phẩm để đời.

Tính cách bàng bạc dân Kẻ Chợ

Trong những năm tháng sống ở đất kinh kỳ ấy, ông sáng tạo ở nhiều lĩnh vực. Phan Vũ thuộc những thi sĩ đổi mới thi ca cùng trang lứa với các tác giả như Trần Dần, Lê Đạt. Khi làm việc ở Hãng phim Truyện Việt Nam, Phan Vũ kết thân cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông cũng có những ngày tháng lang thang đi vẽ phố cùng danh họa Bùi Xuân Phái.

Chat tre trung,  nhiet huyet cua Phan Vu anh 1
Phan Vũ cùng những bức thi - họa của mình. Ảnh: Từ Hồng Sơn

Đằm mình trong nghệ thuật, trong cái đẹp của Hà Nội, ông khắc lại những phím dương cầm, tà áo dài, nghìn năm vàng son đất kinh kì… và lưu giữ trong bảo tàng thơ Em ơi! Hà Nội phố (hoàn thành năm 1972).

Những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nhạc sĩ Phú Quang vào Sài Gòn sinh sống. Một lần ông gặp Phan Vũ và được nghe thi sĩ đọc Em ơi! Hà Nội phố. Cùng là những người mang theo niềm nhớ thương khôn nguôi về mảnh đất kinh kỳ, với tâm hồn đồng điệu, Phú Quang cứ ngỡ bài thơ viết cho mình.

Khi Phú Quang phổ nhạc xong, Phan Vũ đã nói ca khúc làm "lấp lánh thêm phần thơ". Một trường ca, một ca khúc, hai tác phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng và làm nên tên tuổi của hai nghệ sĩ. Đó không chỉ là bài thơ khiến người ta nhớ tới Phan Vũ, mà còn là bài hát đầu tiên khiến công chúng biết tới Phú Quang.

Nhưng Hà Nội không chỉ giúp nhà thơ có tác phẩm để đời. Văn hóa, lối sống, sinh khí đất kinh kỳ thấm đẫm trong con người Phan Vũ.

Ở con người Phan Vũ luôn có khí chất, phong thái của thị dân Hà Nội, nói theo cách của nhà văn Nguyễn Việt Hà thì Phan Vũ thuộc kiểu “cao bồi già phố cổ”. Theo lời nhà thơ Từ Hồng Sơn khi 80, 90 tuổi, “Phan Vũ vẫn mặc những bộ quần áo cũ mà cụ gắn bó từ lâu, phong cách bàng bạc dân Kẻ Chợ”.

Nghe trích đoạn bài thơ 'Em ơi! Hà Nội phố' Nhà văn Nguyễn Trương Quý và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đọc trích đoạn tác phẩm trong buổi ra mắt sách "Ta còn em".

Năm 2018, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành tập thơ Ta còn em, một chương trình tọa đàm, giao lưu với khán giả được tổ chức ở Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ rất muốn tham dự, và đã lên kế hoạch cho việc này, nhưng phút cuối, sức khỏe của tuổi ngoài 90 không cho phép ông đi xa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi ấy có kể trong cuộc điện thoại với nhà thơ và trong những lần ông tới thăm Phan Vũ ở Sài Gòn, Phan Vũ đều đau đáu mong mỏi được về Hà Nội đọc thơ. “Mong được về Hà Nội đọc thơ một lần rồi chết thôi”, Phạm Xuân Nguyên kể lời của Phan Vũ.

Nhà thơ Từ Hồng Sơn cũng là một người con đất Hà Nội xa quê hương, anh được mệnh danh là “Hà thành cuồng sĩ” vì những vần thơ da diết nhớ đất kinh kỳ. Qua những lần tới thăm Phan Vũ, Từ Hồng Sơn nói: “Quả thực, tình yêu Hà Nội của cụ Vũ da diết hơn tôi gấp bội. Cụ mơ ước một lần ngồi ghế đá Bờ Hồ hút tẩu, đọc thơ”. Vậy mà mong ước ấy đã không thành.

Luôn trẻ trung, nhiệt huyết cho tới cuối đời

Phan Vũ đã sống cuộc đời dài gần một thế kỷ; ông lại sáng tạo nghệ thuật sớm và đến cuối đời vẫn rực lửa nhiệt huyết. Nhà báo Diễm Chi - vợ của Phan Vũ - cho biết chỉ tới hai tháng trước khi trút hơi thở cuối là ông phải nằm giường; còn trước đó, dù tuổi ngoài 90 nhưng lúc nào ông cũng dồi dào ý tưởng sáng tạo.

"Ông không bao giờ nghĩ tới cái chết. Ông luôn nói rằng mình thích làm cái này, có kế hoạch thực hiện cái kia. 90 tuổi rồi ông vẫn muốn làm những bài thơ mới, viết kịch bản, vẽ tranh mới", nhà báo Diễm Chi nói.

Chat tre trung,  nhiet huyet cua Phan Vu anh 2
Tuổi cao, Phan Vũ vẫn áo phông quần rách phóng xe vèo vèo trên phố. 

Nhà thơ Từ Hồng Sơn, người yêu mến Phan Vũ, từng bắt tay thực hiện một tập thơ của ông, kể: “Cụ Vũ ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn đau đáu cách tân hội họa và thi ca. Gặp nhau, cụ vẫn khoe sự đột phá của màu sắc, một ý thơ độc đáo mới ngẫm ra. Cụ luôn kể những chuyện làm động lực cho tôi và các bạn trẻ đừng vì khó khăn mà từ bỏ đam mê”.

Ở tuổi xưa nay hiếm, người ta vẫn thấy Phan Vũ đội mũ cao bồi, mặc áo da, quần đầy sơn dầu, mang giày hầm hố, “phi” xe Dream đi cafe và gọi lớp hậu sinh theo cách xưng hô suồng sã, thân mật là “mày với tao”. “Cụ vẫn hút tẩu và uống rượu khi có khách đến thăm. Gặp những cô gái 20, 30 tuổi, cụ vẫn tán dương: Em xinh thế!”, nhà thơ Từ Hồng Sơn kể.

Sự trẻ trung cũng là điều mà nghệ sĩ Như Huy ấn tượng nhất về Phan Vũ. Như Huy là người đã khuyến khích Phan Vũ vẽ tranh. Trong cuốn tản văn Ly rượu trần gian mới phát hành, Phan Vũ kể nhiều chuyện khi song hành cùng Như Huy.

Tiễn biệt Phan Vũ, nghệ sĩ Như Huy viết trên Facebook: “Tạm biệt một ông anh chịu chơi! Em quý anh!”. Nghệ sĩ cũng kể những kỷ niệm vui cùng Phan Vũ. Đó là khoảng thời gian Như Huy và Phan Vũ song hành trong những ngày lang thang khắp các quán bar Sài Gòn. Khi ấy, tuổi Phan Vũ đã cao, nhưng tác giả Em ơi! Hà Nội phố vẫn có mặt trong một trận đánh nhau của Như Huy, lý do liên quan đến một bóng hồng.

Có khi, Như Huy cùng bạn bè tổ chức một đêm đọc thơ Em ơi! Hà Nội phố ở một quán bar cafe. Đêm ấy, có chính tác giả ngồi đọc, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đàn guitar cùng một ca sĩ. Cuối bài thơ, Phan Vũ đã rút bật lửa đốt bản thơ chép trên giấy.

Chat tre trung,  nhiet huyet cua Phan Vu anh 3
Một bức tranh được lấy làm áo cho phiên bản sách Ta còn em.

Phan Vũ nằm xuống ở tuổi 93, ông giữ mãi sự trẻ trung, nhiệt huyết trong con người và sáng tạo nghệ thuật. Như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói nếu ông dồn sức vào thơ thì có thể thành tựu sẽ lớn hơn. Nhưng văn chương nghệ thuật “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chỉ cần một bài Em ơi! Hà Nội phố như một trường ca, một bản giao hưởng, một bức sơn dầu khổ lớn đọng lại những nét đẹp tinh tế của Hà Nội. Để từ đó người ta thấy yêu hơn, thương hơn Hà Nội.

Phan Vũ về trời, nhưng Em ơi! Hà Nội phố thì mãi còn ở lại.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm