Các thử thách như Book Bucket Challenge, Đọc sách mỗi ngày... kích thích một lượng người trẻ tham gia trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, hiện tượng này còn trở thành trào lưu, tuy có phần nhất thời nhưng cho thấy độc giả trong nước vẫn rất quan tâm đến văn hoá đọc.
Kích thích thói quen đọc sách
Một trong những thử thách liên quan đến đọc sách đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội chính là Book Bucket Challenge. Ra đời vào khoảng cuối năm 2014, hiện tượng này lập tức thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Rất nhanh sau đó, Book Bucket Challenge trở thành một trào lưu. Dù có nhiều phiên bản khác nhau nhưng thử thách này tập trung vào hai điểm: Đăng tải 10 cuốn sách tạo cảm hứng lẫn ảnh hưởng đến từng cá nhân riêng biệt và có thể thách đố người khác thực hiện thử thách.
Một người chơi facebook tham gia thử thách 7 ngày 7 cuốn sách. |
Ngay sau Book Bucket Challenge, một loạt các thử thách na ná cũng rộ lên trên mạng xã hội. Thời gian qua, nhiều “mọt sách” lại lao vào những thử thách như 7 ngày 7 cuốn sách (xuất phát từ nước ngoài với cụm từ khoá #7books7days). Khi thử thách này chưa hết “nóng”, cư dân mạng lại rủ rê tham gia một trào lưu khác: 49 cuốn sách tôi yêu.
Huy Sơn (TP.HCM) là một trong những bạn trẻ hào hứng với thử thách 7 ngày 7 cuốn sách. Sơn liên tục chia sẻ những tác phẩm mà anh đã đọc và tâm đắc. Những dòng trạng thái liên quan đến thử thách này thu hút khá nhiều lượt tương tác và bình luận, trao đổi xung quanh cuốn sách, thậm chí là văn chương.
Minh Tuấn (Hà Nội) tham gia thử thách 49 cuốn sách tôi yêu bằng việc đều đặn chia sẻ những cuốn sách mà anh yêu thích. Ngay ở lần đăng tải đầu tiên - tác phẩm Những ngã tư những cột đèn (Trần Dần), Tuấn đã nhận được những phản ứng tích cực từ những người theo dõi trên facebook. Một người bình luận: “Tôi mê (cuốn sách này) lắm”. Một bạn trẻ khác chia sẻ: “Em tìm mua quyền này ở rất nhiều hiệu sách mà không có. Bạn mua cuốn này ở đâu vậy?”.
Một độc giả tham gia thử thách 49 cuốn sách tôi yêu. |
Có thể nói Book Bucket Challenge hay 49 cuốn sách tôi yêu là những thử thách thú vị, ít nhiều kích thích thói quen đọc sách của độc giả, đặc biệt là những người trẻ. Nhiều người thậm chí còn chia sẻ những quan điểm, bình luận về những cuốn sách được chia sẻ trên mạng.
Chỉ là những trào lưu nhất thời?
Không phủ nhận ý nghĩa tích cực mà các trào lưu đọc sách trên mạng xã hội mang lại, nhưng đây rõ ràng là những trào lưu nhất thời, chỉ thu hút một thời gian rồi biến mất. Bên cạnh đó, việc chỉ đăng tải những bìa sách hay tên tác phẩm, không kèm theo các đánh giá hay bình luận, phần nào khiến người chơi thực hiện một cách quấy quá, người theo dõi không tiếp nhận được nhiều thông tin.
Mới đây, một thử thách khác thuần Việt hơn về đọc sách cũng được hưởng ứng trên Facebook. Thử thách Đọc sách mỗi ngày yêu cầu người tham gia phải đọc sách 15-20 phút mỗi ngày, liên tục trong 3 tháng. Người chơi sẽ phải trích dẫn lại đoạn họ muốn ghi nhớ bằng cách viết lại, chụp ảnh, đăng tải công khai với các hashtag #docsachmoingay và #sakedemy.
Thử thách Đọc sách mỗi ngày. |
Tất nhiên, người chơi thử thách này phải đóng góp một khoản tiền bảo đảm tuỳ ý và tổng số tiền sẽ được chia đều cho những ai hoàn thành. Được biết, chỉ trong một thời gian ngắn, thử thách này đã thu hút hơn 200 người tham gia với số tiền là hơn 120 triệu đồng.
L.Q, một người tham gia thử thách Đọc sách mỗi ngày kể trên cho biết cô tham gia không phải vì giải thưởng nhưng là tạo thói quen đọc sách cho bản thân. “Có những hôm tôi quên mất, phải chụp vội vàng một trang sách để đăng tải lên trang cá nhân, tránh bị loại khỏi cuộc chơi. Tôi nghĩ nhiều người cũng giống như mình, có thể họ không đọc sách nghiêm túc mà chỉ muốn thử thách bản thân, muốn tạo thói quen đọc sách trong quỹ thời gian ngày càng eo hẹp vì học hành, công việc”, Q. chia sẻ.
Trong khi đó, một người khác cảm thán: “Rầm rộ đọc sách mấy ai trong những người đó đọc sách đâu”.