Sáu năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, các nhà quan sát đã quen với các cuộc khủng hoảng ở Westminster. Nhiều người đang nhìn “trận đại hồng thủy” mới nhất là kết quả không thể tránh khỏi từ một động thái chính trị mà họ cho là xa rời thực tế: Brexit.
Thủ tướng Ireland Micheál Martin bày tỏ sự thông cảm cá nhân đối với bà Truss trong thời gian mà ông mô tả là "thời điểm rất khó khăn" đối với thủ tướng, nhưng ông cũng chỉ tay vào Brexit, Guardian đưa tin.
“Các vấn đề nảy sinh từ quyết định đó và kể từ khi quyết định đó được thực hiện. Nhiều người đã không suy nghĩ thấu đáo về những gì về cơ bản là một quyết định chính trị, với những tác động kinh tế và thị trường rất lớn”, ông Martin nói.
Hệ quả từ Brexit?
“Một nhà hùng biện không làm được gì nhiều ngoài việc lặp lại ‘tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng’. Bà ấy đã bị cả công chúng và đảng của mình từ chối”, tờ Le Monde của Pháp viết về việc từ chức của bà Liz Truss.
Các nhà lãnh đạo chính trị đã lịch sự bày tỏ sự tiếc nuối của họ. Tại hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết điều quan trọng là Anh phải tái gây dựng “sự ổn định chính trị nhanh chóng”. Mô tả Anh như một người bạn, tổng thống Pháp nói thêm rằng ông “luôn buồn khi mất một đồng nghiệp”.
Bộ Ngoại giao Nga thẳng thắn hơn khi nói rằng Anh “chưa bao giờ chứng kiến sự thất thế đến vậy của một thủ tướng”.
Các phương tiện truyền thông trên lục địa nghi ngờ về nguyên nhân tai ương của Thủ tướng Truss. Đối với tờ Libération của Pháp, “chắc chắn là có thứ gì đó làm vẩn đục nước trà của đảng Bảo thủ”. Sonia Delesalle-Stolper, Trưởng ban biên tập nước ngoài của của tờ báo, nói rằng chính phủ Anh và đảng Bảo thủ dường như “đang trên con đường tự hủy diệt”.
Cùng với hầu hết nhà bình luận châu Âu khác, bà xác định một vấn đề cốt lõi: “Trong bốn tháng, đất nước sẽ có bốn bộ trưởng Tài chính, hai bộ trưởng Nội vụ và hai thủ tướng”.
Bà Truss tuyên bố từ chức thủ tướng Anh ngày 20/10. Ảnh: Reuters. |
Sau liên tiếp những “cảnh đáng kinh ngạc” trong nghị viện và văn phòng thủ tướng tại số 10 phố Downing, “ai sẽ là người kế nhiệm bà Liz Truss? Đó là một câu hỏi thực sự lớn. Bởi Brexit, và ‘kiến trúc sư trưởng’ của nó, ông Boris Johnson, đã rút cạn mọi phẩm chất và năng lực của đảng Bảo thủ”, bà Delesalle-Stolper viết.
Tờ Le Monde của Pháp cũng coi quyết định rời EU là nguồn gốc cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Anh. Sylvain Kahn - giáo sư tại Đại học Sciences Po, nghiên cứu về Brexit - viết trên tờ báo: “Kể từ cuộc trưng cầu dân ý, các chính phủ Anh đã chứng minh rằng Brexit chỉ đưa Anh tiến xa hơn khỏi miền đất hứa của chủ quyền và tự do không có liên kết”.
“Không có thành viên EU nào khác ở trong tình trạng như vậy. Kể từ Brexit, các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh đã làm việc không ngừng nghỉ để chứng minh rằng tư cách thành viên EU không phải là vấn đề”.
Annette Dittert, phóng viên tại London của đài truyền hình công cộng Đức ARD, lưu ý bà Truss “hiện là nhà lãnh đạo thứ ba của đảng Bảo thủ, sau Theresa May và Boris Johnson, không thực hiện được những lời hứa về Brexit”.
Khởi đầu mới?
Khi xem xét vấn đề, các nhà sử học sẽ tìm thấy nguồn gốc của sự hỗn loạn hiện tại của nền chính trị Anh là động thái vào năm 2016, bà Dittert nói. “Thứ nhất, vì Brexit đã gây tổn hại lâu dài cho nền kinh tế Anh nên bất kỳ sự không chắc chắn nào nữa của thị trường đều dẫn đến hỗn loạn lớn hơn bao giờ hết”.
“Thứ hai, bởi Brexit và tư duy cố hữu thần tiên hóa về một nước Anh có chủ quyền có thể đi theo con đường riêng của mình trong thế giới toàn cầu hóa của thế kỷ XXI, tách biệt khỏi các phát triển quốc tế, đã đánh dấu khởi đầu cho sự kết thúc của tư duy sáng suốt trên hòn đảo”.
Bà Dittert kết luận thất bại của Thủ tướng Truss “giờ đây có thể đánh vần sự kết thúc của suy nghĩ mơ mộng đó - sự khởi đầu của một cái gì đó mang tính bước ngoặt của người Anh”.
Những sai lầm của chính phủ bà Truss trong thời gian cầm quyền đã khiến thị trường của Anh đi xuống. Ảnh: Financial Times. |
Trên tờ Die Zeit của Đức, Bettina Schulz cũng cho rằng sự sụp đổ chính trị của bà Truss có thể là một thời điểm quan trọng. “Ý thức hệ cực đoan của nhóm tân tự do trong đảng Bảo thủ đã thất bại”, có lẽ báo trước “một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của đất nước kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016”, bà nói.
Phóng viên chính trị Jochen Buchsteiner thể hiện cùng quan điểm trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức. “Bất chấp Brexit, có những giới hạn đối với những gì chính phủ Anh có thể làm. Các chính sách ‘vô nghĩa một cách thiếu sáng suốt’ - như một nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ từng nói - vẫn không thể thực thi ngay cả sau Brexit”.
Trong một bài báo bình luận có tiêu đề “Và nước Anh đổ vỡ” trên tờ El País của Tây Ban Nha, Ángel Ubide cho biết truyền thống lâu đời của Anh về “hiệu quả ngoại giao, và lợi thế của một ngôn ngữ phổ thông” đã mang lại cho nước này “một hào quang đáng tin cậy”.
“Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Liên minh ủng hộ Brexit đã chiếm được cơ sở chính trị của Anh vào năm 2016, và đã từ từ làm xói mòn sự tín nhiệm đó cho đến khi nó đột nhiên cạn kiệt”, Ubide viết.
Phóng viên tại London của tờ báo Tây Ban Nha La Vanguardia, Rafael Ramos, đã có bình luận mang đầy tính triết học: “Trong văn học và nghệ thuật, chủ nghĩa phi lý là khuynh hướng trốn tránh những ràng buộc của logic, xa lánh kinh nghiệm và thực tế, phó mặc bản thân cho cái phi lý và độc đoán. Về chính trị, đây là những gì chúng ta đang thấy ở Anh”.
Tờ El Confidencial cho rằng Anh một lần nữa có nguy cơ trở thành “kẻ ốm yếu của châu Âu”, trong khi tờ Politiken của Đan Mạch mô tả một bầu không khí “hỗn loạn và hoảng loạn”.
Ở Italy, tờ Corriere della Sera kết luận rằng dù “câu chuyện này” kết thúc, uy tín của Anh đã sụp đổ. Ông Luigi Ippolito viết trên tờ báo rằng sự sụp đổ - được một số nhà bình luận so sánh với cuộc khủng hoảng Suez và sự kết thúc của tham vọng đế quốc của Anh - “đã phơi bày ảo tưởng hậu Brexit về việc trở thành một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn có thể phớt lờ các thực tế quốc tế”.