Ngày 20/10, Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing.
Động thái từ chức của vị thủ tướng không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia cũng như các nhà quan sát chính trường Anh, khi những dấu hiệu cho thấy bà Truss có thể sớm bị hạ bệ ngày càng rõ ràng, sau khi gói “Ngân sách ngắn hạn” mà bà công bố hồi cuối tháng 9 (hiện bị đảo ngược phần lớn) gây ra hỗn loạn trên thị trường Anh và tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị.
Trao đổi với Zing về động thái từ chức của bà Truss và cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh liên quan đến sự kiện hiện tại, ông Stephen Clear - giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor - nhận xét: "Người ta hay nói 'một tuần là thời gian dài trong chính trị'. Chúng tôi dường như đang làm việc trên một mô hình chỉ 24 giờ ở Anh!".
"Loạt sự kiện trong 24 giờ qua (19-20/10) cho thấy bà Truss không nhận được sự tín nhiệm từ đảng của mình để tiếp tục, và việc từ chức trở thành điều không thể tránh khỏi. Cuộc gặp diễn ra giữa thủ tướng và ông Graham Brady vào đầu ngày 20/10 là dấu hiệu báo trước cho thấy bà Truss sẽ từ chức để níu lấy danh dự", vị chuyên gia nêu rõ.
Ông cũng tin rằng cho dù bà Truss không từ chức và có thể vượt qua được những thử thách ngay lúc này, bà cũng khó bám trụ lâu vì hàng loạt rào cản khác.
“Tầm nhìn kinh tế của bà Truss là một sai lầm”, không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn gây ảnh hưởng đến “vị trí của đảng Bảo thủ”, đến sự ổn định của bức tranh chính trị trong nước, và đến cả “vị thế quốc tế của nước Anh”, theo vị chuyên gia. Những hệ quả được cho là sẽ vẫn tồn tại và rất khó giải quyết.
Bà Truss tuyên bố từ chức thủ tướng Anh ngày 20/10. Ảnh: Reuters. |
Phá vỡ mọi kỷ lục lịch sử chính trường Anh
Việc bà Truss bị gây áp lực từ chức có nghĩa là đảng Bảo thủ Anh đã lật đổ hai thủ tướng trong vòng vài tháng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến vị thế và uy tín của đảng? Sự việc có thể ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của Anh hay không?
- Việc từ chức của Liz Truss, ngay sau khi lên làm thủ tướng được vài tuần, là điều chưa từng có về mặt chính trị. Vào thời điểm từ chức, bà Liz Truss vừa mới nhậm chức thủ tướng được 44 ngày, trở thành thủ tướng có thời gian phụng sự ngắn nhất trong lịch sử chính trị Anh. Thủ tướng đương nhiệm ngắn nhất trước sự kiện này là George Canning vào năm 1827, với nhiệm kỳ chỉ 119 ngày.
Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức, và những cảnh hỗn loạn tại Hạ viện hôm 19/10 với những lời chỉ trích từ chính nghị sĩ đảng Bảo thủ, đã khiến vị trí của Truss không thể được bảo vệ.
Việc thủ tướng bị thay thế nhanh chóng khi chỉ vừa nhậm chức được vài tuần gây tổn hại về mặt chính trị đối với uy tín của đảng Bảo thủ và phá vỡ mọi kỷ lục lịch sử.
Sự bất ổn chính trị mà chúng tôi đang trải qua có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và khó giải quyết những thách thức về chi phí sinh hoạt mà nước Anh phải đối mặt. Hậu quả của kế hoạch kinh tế mới của chính phủ Thủ tướng Truss (hiện bị loại bỏ) đối với thị trường kinh doanh, lãi suất thế chấp và lạm phát là bằng chứng cho thấy mọi thứ không ổn.
Một số cuộc thăm dò (ví dụ như cuộc thăm dò của Redfield & Wilton Strategies) cho thấy Công đảng Anh đang dẫn trước 36 điểm so với đảng Bảo thủ. Nghiên cứu của YouGov cho thấy mức độ yêu thích của công chúng đối với bà Liz Truss đã tụt xuống -70 điểm, thậm chí thấp hơn cả người tiền nhiệm Borris Johnson. Ngay cả trong số thành viên đảng Bảo thủ của bà, 55% muốn bà từ chức, dẫn đến áp lực buộc thủ tướng phải thay đổi đường lối.
Mức độ yêu thích của công chúng Anh đối với bà Truss đã tụt xuống -70 điểm. Ảnh: YouGov. |
Việc thay thế 2 thủ tướng trong thời gian ngắn cũng có ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của Anh, cả về giá trị của đồng GBP và danh tiếng của nước Anh. Các sự kiện bất thường trong chính trị Anh trong vài tuần qua thậm chí còn chứng kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden can thiệp và gọi điện cho bà Truss.
Tầm nhìn kinh tế của bà Truss là một sai lầm. Đó là minh chứng cho những thiệt hại của nước Anh đã xảy ra ở nước ngoài (bao gồm cả những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi).
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Liệu việc thay thế một thủ tướng mới vào thời điểm nước Anh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn có khiến tình hình trong nước thêm rối ren?
Ông Stephen Clear - giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, Anh. Ảnh: Đại học Bangor. |
- Tôi tin rằng điều này sẽ làm tăng thêm tính phức tạp và không chắc chắn khác xung quanh chính sách và hướng đi của Anh. Ví dụ, vào cuối nhiệm kỳ của ông Boris Johnson với tư cách là thủ tướng tạm thời trong lúc chờ chọn ra người kế nhiệm, chúng tôi đã thấy sự trì hoãn của những quyết định quan trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt (để không cản trở bất kỳ kế hoạch mới của chính phủ Anh tương lai).
Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng toàn bộ chính phủ Anh được bổ nhiệm theo ý muốn của thủ tướng. Vì vậy, việc thay đổi ban lãnh đạo sẽ dẫn đến việc phải chọn ra một bộ trưởng Tài chính mới, bộ trưởng Nội vụ mới, bộ trưởng Ngoại giao mới, v.v.
Mọi sự thay đổi trong quản lý hiện nay sẽ làm vẩn đục thêm các “dòng nước” liên quan đến gói hỗ trợ được đưa ra, chính phủ Anh là ai, chính sách tài khóa là gì và chương trình nghị sự của chính phủ trung ương thực sự là gì.
Ai có thể là ứng viên tiềm năng trở thành tân thủ tướng nếu bà Truss rời đi?
- Một loạt câu hỏi bắt đầu nảy sinh xung quanh việc bà Truss từ chức.
Liệu một cuộc bỏ phiếu khác của đảng Bảo thủ có khả thi sau khi đảng này vừa chỉ mới làm vậy cách đây vài tháng hay không?
Liệu bà Liz Truss có nên tiếp tục làm thủ tướng lâm thời trong thời gian chờ đợi bầu ra người thay thế, hay liệu Phó thủ tướng Thérèse Coffey có nên tiếp quản hay không?
Liệu một cuộc tổng tuyển cử ở Anh bây giờ có cần thiết hay không?
Với mức độ thay đổi (trong thái độ của công chúng) kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, việc hỏi ý kiến công chúng sẽ đổi mới quyền dân chủ của chính phủ mới trong tương lai.
Những bất ổn xung quanh chính trị Anh trong những năm gần đây khiến việc dự đoán ai sẽ là thủ tướng tiếp theo là rất khó khăn.
Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang tập hợp để tìm một nhà lãnh đạo mới, với một số kêu gọi sự trở lại của ông Boris Johnson. Những người khác suy đoán rằng Penny Mordaunt hoặc Rishi Sunak nên đảm nhận vị trí này.
Bất kể ai được bổ nhiệm, họ sẽ trở thành nhà lãnh đạo thứ 5 của Anh kể từ năm 2016. Một khi thủ tướng mới được bổ nhiệm, hành động chính xác khi đó là xem xét một cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh. Điều này nhằm đổi mới quyền dân chủ của bất kỳ ai đang điều hành đất nước hoặc thay đổi đảng chính trị nắm quyền (với mức độ ủng hộ đối với các đảng đã thay đổi kể từ năm 2019)”.
Mức độ ủng hộ đối với đảng Bảo thủ Anh tính đến hiện tại. Nguồn: Redfield & Wilton Strategies. |
Bà Truss có thể đối mặt hoặc làm gì tiếp theo sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo? Tương lai chính trị của bà sẽ như thế nào?
- Sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng, bà Liz Truss vẫn có thể tiếp tục làm nghị viên cho khu vực bầu cử của mình, cụ thể là South West Norfolk. Bà có thể tiếp tục với vai trò là một nghị sĩ ủng hộ cho các đảng viên khác, giống như cách mà bà Theresa May và ông Boris Johnson đang làm sau khi từ chức thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Theo ông, công chúng và chính trường Anh sẽ phản ứng ra sao nếu như bà Truss vẫn cố giữ ghế thủ tướng bất chấp những sai lầm dẫn tới bất ổn nền kinh tế và chính trị?
- Tôi cho rằng cuối cùng công chúng sẽ đổ lỗi cho đảng Bảo thủ tại cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nếu những thay đổi về tài sản, tăng trưởng và thịnh vượng không được đưa ra, cử tri sẽ bỏ phiếu cho một đảng chính trị thay thế để lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Trong nền chính trị Anh, chúng tôi có khái niệm gọi là “The Great Resignation” hoặc, “The Great Reshuffle”, có nghĩa là các nhà lãnh đạo từ chức, hoặc thay đổi chính phủ của họ để sửa chữa những sai lầm. Những điều xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào bầu không khí chính trị sắp tới. Cụ thể là mức độ mà các nghị sĩ của chính phủ sẵn sàng cho phép thủ tướng và nội các của ông ấy hoặc bà ấy tiếp tục.
Mặc dù không chắc rằng các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ ủng hộ phong trào bất tín nhiệm đối với chính phủ của đảng mình, họ vẫn có những cách và phương tiện gây áp lực chính trị để nhà lãnh đạo của họ từ chức. Sự sụp đổ của ông Boris Johnson là minh chứng thực tế cho thấy có quá nhiều sai lầm mà một thủ tướng có thể mắc phải trước khi họ phải từ chức vì áp lực.
Công chúng tập trung bên ngoài cổng số 10 phố Downing, London, sau khi Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức ngày 20/10. Ảnh: Reuters. |
Trước đó chỉ vài ngày, bà Truss tuyên bố sẽ không từ chức. Nếu bà vẫn tiếp tục giữ vững quyết tâm này, đâu là kịch bản bà có thể bị hạ bệ?
- Trong phạm vi nước Anh, mỗi đảng phái chính trị có quy tắc riêng của họ liên quan đến các thách thức đối với lãnh đạo. Đối với đảng Bảo thủ, ít nhất 15% thành viên nghị viện đương nhiệm phải viết thư nói rằng họ không còn tín nhiệm vào nhà lãnh đạo của mình để kích hoạt một cuộc bỏ phiếu. Những lá thư bất tín nhiệm này được gửi tới ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban năm 1922 (đại diện cho nghị sĩ không phải là bộ trưởng trong chính phủ). Đây chính xác là quy trình đã được sử dụng vào tháng 6-7 đối với ông Boris Johnson.
Tuy nhiên, đúng là theo quy tắc hiện hành của Ủy ban năm 1922, một nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ không thể bị thách thức trong năm đầu tiên nắm quyền. Vì vậy, trừ khi quy tắc của Ủy ban năm 1922 thay đổi, điều này không thể được giải quyết bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của đảng Bảo thủ.
Vì vậy, nếu bà Truss không từ chức, có 2 lựa chọn thay thế:
Đầu tiên là một “phong trào bất tín nhiệm” đối với chính phủ. Quá trình này có thể sẽ do lãnh đạo phe đối lập, ông Keir Starmer thúc đẩy, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại hạ viện (bởi tất cả nghị sĩ) về việc liệu hạ viện có đủ tín nhiệm vào chính phủ hiện thời để trao cho họ quyền tiếp tục điều hành hay không.
Để được thông qua, phong trào cần có càng nhiều nghị sĩ ủng hộ càng tốt.
Tuy nhiên, do sự hợp nhất một phần giữa lập pháp và hành pháp trong bộ máy chính trị của Anh, điều này khó có thể xảy ra. Lý do là để thực hiện cuộc bỏ phiếu thay đổi chính phủ, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ cần phải bỏ phiếu từ chối chính phủ mà họ nắm quyền. Thay vào đó, nhiều khả năng nghị viện sẽ bị giải tán và một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành.
Thứ hai, nếu ai đó có thể chỉ huy đa số trong hạ viện (ví dụ thông qua một số đảng chính trị thành lập chính phủ liên minh) tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong hạ viện, thì Vua Charles III có thể mời họ thành lập chính phủ.
Stephen Clear là giảng viên và là chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, một trong những ngôi trường cổ kính và có bằng cấp uy tín nhất ở Anh.
Nghiên cứu về Luật Công của ông Stephen đã được xuất bản trên nhiều tạp chí, bao gồm Wolters Kluwer, EPLO, Wiley, và Tạp chí Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý Xã hội Oxford (Đại học Oxford). Ông Stephen từng là thành viên của nhóm nghiên cứu do Ủy ban Tiền lương Độc lập của nghị viện lúc bấy giờ ủy nhiệm để điều tra thực nghiệm rào cản đối với việc ứng cử vào nghị viện xứ Wales.
Ông Stephen cũng đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, được mời đóng góp cho các cuộc tranh luận về Luật Công, bao gồm BBC Politics Wales, LBC News, Sputnik News, BBC Question Time Extra, và BBC Radio Five Live. Ông cũng thường xuyên viết trên Conversation về những phát triển hiến pháp gần đây của Anh.
Ông đã thuyết trình tại nhiều hội nghị về các vấn đề quan trọng của hiến pháp ở cả trong nước và quốc tế, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bahrain và Ireland.
Ông Stephen cũng đã được trao giải thưởng nghiên cứu bởi Thư viện Gladstone, Hiệp hội học giả pháp lý, các trường Đại học Santander và Công ty Drapers cho hoạt động nghiên cứu của mình trong những lĩnh vực này.