Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ trăng mật đáng buồn của bà Truss

Bà Liz Truss đã trở thành nhà lãnh đạo có thời gian “tận hưởng tuần trăng mật chính trị" ngắn nhất lịch sử nước Anh, sau khi từ chức chỉ với 45 ngày tại nhiệm.

Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức vào ngày 20/10. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, AFP đánh giá nhiệm kỳ thủ tướng đầy hỗn loạn của bà dường như đã gặp vấn đề ngay từ đầu.

Không tính 10 ngày để tang sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, bà Truss chỉ có một tuần nắm quyền trước khi chương trình nghị sự của bà bị lật đổ, dẫn đến bộ trưởng tài chính bị sa thải.

“Đó là hạn sử dụng của một loại xà lách”, Economist bình luận vào tuần trước.

Ngày 5/9

Bà Liz Truss bắt đầu với việc giành được sự ủng hộ của 81.326 thành viên đảng Bảo thủ, so với con số 60.399 của đối thủ trực tiếp là ông Rishi Sunak, bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson.

Với tư cách là nhà lãnh đạo mới của đảng lớn nhất trong Quốc hội, điều đó đã giúp bà trở thành thủ tướng nước Anh.

Ngay ngày hôm sau, bà được Nữ hoàng xác nhận là thủ tướng. Bà Truss đã bổ nhiệm ông Kwasi Kwarteng, người có cùng chí hướng, làm bộ trưởng Tài chính để dẫn dắt nền kinh tế Anh.

Ngày 8/9

Bà Truss tiết lộ một kế hoạch tốn kém để áp giá trần đối với hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình, nhằm đối phó với tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng tuyên bố mới này đã bị lu mờ bởi sự qua đời của nữ hoàng, khiến mọi công việc của chính phủ bị đình trệ trong 10 ngày.

Ngày 23/9

Ông Kwarteng công bố “Ngân sách ngắn hạn", trong đó nêu chi tiết cái giá để thực hiện chương trình năng lượng này là 60 tỷ bảng Anh (tương đương 67 tỷ USD) trong 6 tháng tới.

Thế nhưng, ông không cho biết nguồn tiền đó sẽ đến từ đâu, cũng như không đưa ra biện pháp nào để gây quỹ.

Thay vào đó, ông Kwarteng tiếp tục công bố khoản vay mới khổng lồ để trả cho việc cắt giảm thuế sâu rộng. Theo đó, chính phủ Anh dự định bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD)

Thông báo này đã châm mồi lửa chính trị ngay lập tức vì nhiều người cho rằng kế hoạch thể hiện sự bất bình đẳng và đang bảo vệ người giàu.

Không chỉ vậy, chương trình giảm thuế và chính sách đóng băng giá năng lượng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái của Anh, lại gây ra tác động ngược lại khi các nhà giao dịch cảnh báo về gánh nặng nợ để chi trả cho chương trình.

“Phán quyết” nhức nhối nhất đến từ thị trường khi đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD.

Thế nhưng, những ngày sau đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Kwarteng vẫn cam kết tiếp tục việc cắt giảm thuế.

Ngân sách được các phương tiện truyền thông gọi là "Kami-Kwasi", bắt đầu trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa bà Truss, ông Kwarteng và các nghị sĩ đảng Bảo thủ, bao gồm cả những bộ trưởng nội các.

Ngày 28/9

Trước sự hỗn loạn của thị trường trái phiếu khiến các quỹ hưu trí của Anh rơi vào tình trạng lâm nguy, Ngân hàng Trung ương Anh công bố chương trình mua trái phiếu dài hạn của Vương quốc Anh trong hai tuần, với giới hạn ban đầu là 65 tỷ bảng Anh, "để khôi phục trật tự thị trường".

Ngày 29/9

Trong bối cảnh thị trưởng Anh phản ứng dữ dội sau kế hoạch của chính quyền Truss, các nhà thăm dò ý kiến ​​YouGov báo cáo Công đảng đối lập đã dẫn trước đối thủ 33 điểm - mức chênh lệch lớn nhất của đảng này so với đảng Bảo thủ kể từ thời kỳ hoàng kim của cựu Thủ tướng Tony Blair vào cuối những năm 1990.

Các cuộc thăm dò khác cũng chỉ ra thảm họa bầu cử mà đảng Bảo thủ có thể phải đối mặt. Dù vậy, vài giờ trước bài phát biểu quan trọng của mình tại hội nghị thường niên của đảng vào đầu tháng 10, ông Kwarteng vẫn cam kết sẽ "không bỏ cuộc".

Ngày 3/10

Ông Kwarteng và bà Truss đã buộc phải quay đầu gấp, hủy bỏ quyết định cắt giảm thuế cho những người giàu nhất nước này trước sức ép từ thị trường và các thành viên trong đảng, sau các cuộc đàm phán vội vã vào đêm khuya.

Trong bài phát biểu tại hội nghị vào ngày 5/10, bà Truss cam kết sẽ theo đuổi chương trình nghị sự "tăng trưởng" của mình nhưng không trấn an được các phe nổi dậy trong đảng của mình, cùng sự lo lắng trên thị trường.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Anh tiếp tục tăng, gây thêm tổn thương cho các hộ gia đình ở Anh khi lãi suất thế chấp tăng.

Ngày 10/10

Trong một diễn biến đảo chiều, ông Kwarteng tiết lộ rằng ông sẽ công bố kế hoạch tài khóa trung hạn, trong đó vạch ra lộ trình nhằm giảm hoạt động đi vay, cùng với "các quy tắc tài khóa mới và cam kết kỷ luật chi tiêu". Ông cũng dự định thông báo dự báo ngân sách độc lập vào ngày 31/10 - Halloween - thay vì vào cuối tháng 11 như kế hoạch ban đầu.

Nhưng vào ngày 12/10, cựu Thủ tướng Truss đã tuyên bố ngăn việc cắt giảm chi tiêu công, mặc dù cam kết sẽ không đảo ngược các khoản cắt giảm thuế còn lại. Điều này đã cho thấy tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ trong chính phủ Anh.

Ngày 14/10

Với thị trường vẫn còn xáo trộn và áp lực chồng chất, Thủ tướng Truss đã sa thải ông Kwarteng chỉ sau 38 ngày đảm nhiệm vai trò bộ trưởng Tài chính.

Dù vậy, ông Kwarteng vẫn bảo vệ chương trình kinh tế. Trong một bức thư gửi bà Truss, ông nhấn mạnh rằng nó cần thiết vì "tình trạng hiện nay không đơn giản chỉ còn là một lựa chọn".

Bà Truss sau đó đã bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Jeremy Hunt thay thế ông. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 17/10 thông báo sẽ đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

"Trong khi chúng tôi tiếp tục việc bãi bỏ thay đổi thuế chăm sóc sức khỏe và thuế tem, chúng tôi sẽ không tiếp tục các chương trình cắt giảm thuế suất cổ tức, miễn thuế VAT mua sắm cho du khách ngoài Vương quốc Anh và đóng băng thuế đồ uống có cồn", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Jeremy Hunt.

Ngoài ra, ông Hunt nói thêm kế hoạch giữ mức trần giá năng lượng sẽ chỉ có hiệu lực đến tháng 4/2023, thay vì kéo dài hai năm như dự kiến ban đầu. Sau thời điểm này, chính phủ sẽ thảo luận một kế hoạch mới để đảm bảo giá nhiên liệu sẽ rẻ hơn, ông nói.

Ngày 19/10

Trong một ngày mà tờ Sun gọi là "hỗn loạn bất thường", Bộ trưởng Nội vụ theo đường lối cứng rắn Suella Braverman đã từ chức sau một cuộc tranh cãi với bà Truss và ông Hunt về vấn đề nhập cư. Bà cho biết bà có "mối quan ngại nghiêm trọng" về chính phủ.

Một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh về việc cấm công nghệ khai thác dầu fracking đã trở nên hỗn loạn khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ được thông báo rằng họ phải bỏ phiếu theo ý kiến của chính phủ, bất chấp nhiều người bày tỏ phản đối.

Kết quả, bà Truss đã thắng phiếu, nhưng nhiều nghị sĩ đã nổi dậy. Họ nói với phóng viên rằng đó là sự kiện mang tính "hủy diệt" để kết thúc chức vụ thủ tướng của bà Truss.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

Thủ tướng Anh từ chức, đảng Bảo thủ hứng bão chỉ trích

Các đảng chính trị lớn nhất của Anh đồng loạt lên tiếng chỉ trích đảng Bảo thủ sau tuyên bố từ chức của Thủ tướng Truss và kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.

Times: Cựu Thủ tướng Boris Johnson có thể chạy đua kế nhiệm bà Truss

Times đưa tin cựu Thủ tướng Boris Johnson có khả năng sẽ tham gia cuộc chạy đua lãnh đạo đảng Bảo thủ trong tuần tới.

Minh An

Bạn có thể quan tâm