Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Nikkei của Nhật Bản hôm 13/7, ông Pitsuwan đã nêu bật những tác động của phán quyết mà Tòa Trọng tài đưa ra trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Pitsuwan cho rằng phán quyết cuối cùng là cơ sở cho các cuộc đàm phán, hướng tới giải pháp lâu dài cho những tranh chấp trên Biển Đông.
- Ấn tượng đầu tiên của ông về phán quyết của Tòa Trọng tài là gì?
- Phán quyết đặt dấu chấm hết cho những vấn đề đang gây tranh cãi và lo lắng nhất trong khu vực. Phán quyết quốc tế về vấn đề Biển Đông đã được đưa ra và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó sẽ trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán để đạt được mục đích chung. Chính vì thế, nó càng trở nên hữu ích. Dù phán quyết của Tòa Trọng tài không phải điều duy nhất chúng ta cần cho các cuộc đàm phán nhưng nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thành lập Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Đây là lúc các bên cần kiềm chế và thảo luận thêm vì tất cả các bên cần chung sức để tìm ra giải pháp. Đối với tôi, đó là sự khởi đầu cho sự chấm dứt của vấn đề.
Ông Surin Pitsuwan, cựu tổng thư ký ASEAN. Ảnh: Nikkei |
- Trung Quốc không hài lòng với phán quyết. Ông dự đoán những gì sẽ xảy ra sau đó?
- Tôi không nghĩ việc Trung Quốc không hài lòng là điều ngạc nhiên. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và từ chối tham gia tố tụng và chỉ bày tỏ quan ngại. Tôi cho rằng, phán quyết của tòa có thể là sự khởi đầu cho quá trình đàm phán mới chứ không phải điểm chấm hết cho những vấn đề trên Biển Đông.
Sau phán quyết của tòa, ASEAN vẫn phải tiếp tục hướng về tương lai. Các thành viên ASEAN phải nhận thấy đây là điểm khởi đầu, do đó các bên phải làm việc cùng nhau để hướng tới tương lai, phục vụ mục tiêu chung của chúng ta là COC. Chúng ta cần đưa các quy tắc ứng xử, dựa vào các yếu tố đạo đức và các hành động phù hợp, để tránh xung đột, tai nạn hoặc sự hiểu lầm, có thể dẫn tới xung đột. Đây là lúc để nhìn nhận lại vấn đề, bắt đầu quá trình đưa ra những lựa chọn mới cho tương lai.
- Theo ông, phán quyết có thể thay đổi hành vi và thái độ của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp?
Nếu chúng ta cùng nhìn về một mục tiêu chung là tạo ra một quy chuẩn mới, chúng ta cần dành năng lượng và sự tập trung vào mục tiêu làm thế nào để tiến lên phía trước, không phải chú trọng giải quyết vấn đề của sự khác biệt hay cách giải thích khác nhau về những tuyên bố xung đột. Chúng ta cần nhìn nó trong vai trò một cơ hội mới.
- Một tiêu chuẩn mới cần có sự đồng thuận của cả ASEAN và Trung Quốc. Ông đánh giá sao về khả năng này?
Nó có thể được chấp nhận như một phần của việc xem xét cho tương lai. Chúng tôi đang cùng nhau xây dựng các tiêu chí và nhận thấy không tồn tại định mức có thể chấp nhận đối với tất cả các bên. Chúng tôi có thể dùng phán quyết của Tòa Trọng tài là một trong những cơ sở để hướng tới tương lai.
Những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đồ họa: Economist |
- Ông có lạc quan về việc hình thành một tiêu chuẩn mới?
- Ngoại giao là một nghề mà luôn phải tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề có vẻ khó khăn và nan giải. Nhưng tôi cho rằng, vì lợi ích chung, toàn khu vực nên bắt tay vào việc xây dựng quy trình và quy chế, tiêu chuẩn và hệ thống để giúp chúng ta có cơ sở trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
ASEAN đang ngày càng đóng vai trò lớn trên thế giới. Nếu bất cứ điều gì xảy ra trong khu vực này, nó cũng sẽ gây nhiều tác động hơn trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng, phát triển, công nghiệp hóa và chuyển đổi trong suốt những năm cuối thế kỷ trước. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có cái gì đó để bảo vệ, giữ gìn và thúc đẩy chính chúng ta trong tương lai.
Chúng ta cần thế giới tin tưởng rằng ASEAN có thể xây dựng một hệ thống cùng các quy chế và quy trình có thể giải quyết các vấn đề trong khu vực. Nó cũng là điều mà ASEAN muốn thế giới nhìn thấy chúng ta biết những gì cần thiết và chúng ta sẵn sàng hành động.
- Ông nghĩ sao về khả năng Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế kiên quyết theo đuổi yêu sách lãnh thổ?
Tôi nghĩ rằng các nước có quyền sử dụng tất cả những thứ mình có để theo đuổi lợi ích của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sử dụng quyền lực trong mặc cả để tối đa hóa lợi ích. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thực hiện nó mù quáng. Chúng tôi đang theo đuổi lợi ích quốc gia trong môi trường có nhiều vấn đề, nhiều mối quan tâm.... Theo đuổi lợi ích quốc gia bất chấp những tác động khác có thể phản tác dụng.
Chúng tôi tìm cách để tối đa hóa lợi ích quốc gia nhưng trong khuôn khổ nhất định, tuân thủ các quy chuẩn và hệ thống. Tôi nghĩ rằng các nước phải kiên định trong việc theo đuổi lợi ích riêng của mình.
- Nội bộ ASEAN cũng xảy ra sự chia rẽ về quan điểm đối với Trung Quốc. ASEAN dường như gặp cản trở chính trị do nguyên tắc đồng thuận chung và sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông nghĩ gì về vấn đề này? Liệu ASEAN có nên thay đổi nguyên tắc?
- Việc có một nền tảng chung và chiến lược thống nhất, hoặc sự đồng thuận chung trong việc theo đuổi lợi ích tập thể chính là điều có lợi với ASEAN. Mỗi thành viên ASEAN sẽ phải suy nghĩ về lợi ích của khu vực, lợi ích của cả cộng đồng. Những cân nhắc cần tiến tới như thế nào cũng sẽ diễn ra giữa các thành viên ASEAN.
Điều gì sẽ là tốt nhất cho cộng đồng và lợi ích tập thể? Khi anh không thể đồng thuận, bằng cách nào đó, anh đã hạ thấp khả năng trao đổi, hoặc thúc đẩy, hay bảo vệ các lợi ích tập thể của mình. Tôi nghĩ văn hóa về đàm phán tập thể đã làm nên sức mạnh của ASEAN. Đó cũng là cách chúng tôi thu hút nhiều đối tác đối thoại cùng tham gia nền tảng chung của chúng tôi. Sự đồng thuận sẽ vẫn là ưu tiên của ASEAN, và những trao đổi, cân nhắc như vậy sẽ vẫn diễn ra trong gia đình ASEAN.
Người dân Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Ảnh: Reuters |
- Theo ông, kịch bản tốt nhất cho cơ chế giải quyết tranh chấp là gì?
- Đầu tiên, tất cả các bên phải tự kiềm chế, không nhanh chóng đưa ra kết luận vì đây là một vấn đề rất quan trọng, một sự kiện quan trọng mà chúng ta cần thời gian thấu hiểu ý nghĩa, tác động và hệ quả của nó. Sau đó là gì? Chúng ta cần tránh đưa ra quan điểm về căng thẳng, đối đầu hay áp lực. Chúng ta cần xem xét lại những điều đã xảy ra trong quá khứ, trên tinh thần phán quyết vừa được tòa Tòa Trọng tài đưa ra, và về những giải pháp trong tương lai.
Sẽ không thể nào có một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề lớn, cảm tính và quan trọng về chính trị như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tôi không biết hiện tại các quốc gia liên quan như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đang cân nhắc điều gì. Với Trung Quốc, chúng ta đều thấy họ rất mạnh mẽ trong quá khứ. Nhưng tôi không chắc phán quyết có thể khiến họ chuyển hướng hay không.
- Một số thành viên ASEAN bức xúc vì một số nước như Campuchia và Lào cản trở ASEAN đưa ra tuyên bố hoặc hành động chung. Ông có cho rằng điều này sẽ không dẫn đến sự tan rã của ASEAN?
- Tôi nghĩ lợi ích chung cho cả 10 thành viên ASEAN là một điều rất vững mạnh, chúng tôi cần nền tảng chung này để cùng hợp tác trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi có thể có khác biệt ở một số vấn đề, nhưng với 99% những vấn đề còn lại thì chúng tôi đều có sự thống nhất.
Ý tưởng về một cộng đồng mà chúng tôi hướng tới - một cộng đồng vì những lợi ích chung, lợi ích chung lâu dài và bền vững. Đó là điều mà các lãnh đạo ASEAN hướng tới và sẽ hành động. Chúng tôi sẽ cùng tìm ra giải pháp để vượt qua những khó khăn và các vấn đề phức tạp nhất.
- Một số người cho rằng sẽ có thêm nhiều căng thẳng xảy ra ở khu vực do phán quyết này. ASEAN có thể đóng vai trò gì giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh đụng độ xảy ra?
- Theo tôi, bên cạnh những lo ngại về căng thẳng và đụng độ, vẫn có những kênh đối thoại đang tồn tại. Tôi nghĩ những kênh hậu trường và không được tiết lộ với truyền thông cần phải được mở rộng nhằm làm giảm hoặc giúp trấn tĩnh các cảm xúc nhất thời. Tôi chắc chắn rằng những điều này đang diễn ra. Các lãnh đạo cũng cần thể hiện trách nhiệm qua việc thúc đẩy phân tích kỹ lưỡng tình huống, tham vấn tập thể hướng tới tương lai.
- Dường như chúng ta không có một lãnh đạo thực sự mạnh mẽ ở ASEAN? Ông nghĩ gì về việc thiếu một người đầu tàu như vậy?
- ASEAN đang ngày càng nhận được nhiều sự nể trọng và lòng tin từ khắp thế giới vì những nét tính cách riêng và các lãnh đạo của những nước thành viên. Chúng tôi có những nhà lãnh đạo xuất chúng như cố thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore, ông Mahathir của Malaysia, ông Suharto của Indonesia, ông Prem của Thái Lan. Họ là những lãnh đạo có thể đoàn kết đất nước và đưa quốc gia phát triển một cách tiến bộ và vững chắc. Tôi nghĩ họ là những lãnh đạo đã giúp định hình nên ASEAN.
Nhận xét của bạn có thể đúng trong thời điểm này, chúng ta chưa có đủ những lãnh đạo đủ khí chất và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, cả về phong cách lãnh đạo và khả năng dẫn dắt cộng đồng. Đây là vấn đề mà ASEAN cần phải giải quyết. Khi chưa có những cá nhân vượt trội để dẫn dắt, ASEAN có thể sẽ cần thể hiện vai trò lãnh đạo tập thể, thống nhất và hiệu quả hơn.