Đêm 14/6, giới truyền thông nhận được văn bản được cho là tuyên bố chung hay thông cáo báo chí chung của Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc, họp tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nội dung tuy không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng nêu rõ về những lo ngại của các nước đối với các diễn biến gần đây ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vài giờ sau khi phát hành, Ban Thư ký ASEAN vội vã thông báo thu hồi văn bản. Một nửa nội dung trong văn bản bị rút đề cập đến tình hình Biển Đông mà các Ngoại trưởng ASEAN đã khẳng định "đã trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về những diễn biến gần đây ở hiện trường".
ASEAN đã quyết liệt hơn?
Một số chuyên gia nói họ đã đoán trước rằng cuộc họp lần này ở Côn Minh, Trung Quốc, sẽ không diễn ra theo những kịch bản thông thường. Nguyên nhân do các Ngoại trưởng ASEAN đã "phát tín hiệu" trước rằng họ không muốn chỉ dừng lại ở mức thảo luận về tình hình Biển Đông mà còn có kế hoạch công bố tuyên bố chung thể hiện lập trường thống nhất. Và trên thực tế, họ đã làm như vậy.
Cuộc họp đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở Côn Minh vào tuần trước. Ảnh: AFP |
Giáo sư Nick Bisley, chuyên gia về châu Á tại Đại học La Trobe (Australia), cho rằng các nước ASEAN đã tích cực hơn trong hội nghị lần này so với những dịp trước. Báo chí cho biết Bộ Ngoại giao Malaysia đã chuẩn bị sẵn "bản tuyên bố" trước hội nghị, đề cập nhiều đến Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không phản đối.
"Việc văn bản bị thu hồi cho thấy Trung Quốc dường như đã phản ứng với nội dung được đề cập, buộc phải rút lại. Trung Quốc hiển nhiên sẽ phản ứng trước những nội dung như các diễn biến gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), nói trong email gửi Zing.vn.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSSD) nói ông không bất ngờ với việc tuyên bố chung bị rút.
"Các nước ASEAN đã công bố quan điểm với những lời lẽ mạnh mẽ, rồi sau đó rút lại bản tuyên bố chính thức, cũng là một cách để bày tỏ thái độ. Qua đó cho thấy cái khó của ASEAN là vẫn chưa thể đạt được lập trường thống nhất mà cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt khi hội nghị diễn ra tại Trung Quốc", ông Trường nói.
Lý giải cho việc thu hồi bản tuyên bố, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đều nói đây chỉ là bản hướng dẫn để các bộ trưởng sử dụng trong buổi họp báo chứ không phải tuyên bố chính thức. Tuy nhiên, một số nước đã ra tuyên bố riêng rẽ về những nội dung được đề cập trong tuyên bố.
Trung Quốc "thất thế"
Theo giáo sư Bisley, việc tuyên bố chung được công bố nhưng nhanh chóng bị thu hồi cũng là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thất thế ở "trận chiến" lần này.
"Trung Quốc dường như đã đánh giá thấp phản ứng của một số thành viên chủ chốt của ASEAN, vốn khó chịu vì cách hành xử của Bắc Kinh. Nước này cũng bất ngờ bởi sự 'thất thế' của mình trong bản thông cáo chung lẫn tại sự kiện quen thuộc được tổ chức ngay tại nước mình".
Sự bất mãn của các thành viên chủ chốt của ASEAN có thể thấy qua việc Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã rời cuộc họp sớm hơn dự kiến. Là nước đồng chủ trì cuộc họp tại Côn Minh, ông Balakrishnan lẽ ra sẽ cùng điều hành buổi họp báo với ông Vương Nghị. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích rằng ông Balakrishnan phải trở về sớm do còn những công việc khác.
"Qua văn bản được công bố, có thể thấy các Ngoại trưởng ASEAN không chỉ cản được các hành động của Trung Quốc, mà còn cùng với nhau bác bỏ cách Trung Quốc muốn định nghĩa về những tranh chấp", ông Bisley nói trên trang The Interpreter.
Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính cho việc thu hồi tuyên bố vẫn là việc chưa thể thống nhất quan điểm giữa những nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, sự việc cho thấy Trung Quốc cũng khó duy trì phương pháp lâu nay là thuyết phục ASEAN rằng tranh chấp là vấn đề bất đồng trong quan hệ song phương, không nên đưa vào mối quan hệ tổng thể giữa ASEAN với Trung Quốc.
Zing.vn xin giới thiệu nội dung về Biển Đông trong văn bản đã thu hồi của ASEAN.
Chúng tôi (các Ngoại trưởng ASEAN) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra. Chúng làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có khả năng làm suy giảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do đi lại trên biển, trên không ở Biển Đông, phù hợp với những nguyên tắc phổ quát về luật quốc tế được công nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường lòng tin lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong các hành động có thể khiến tình hình phức tạp hơn hoặc căng thẳng leo thang và theo đuổi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chúng tôi khẳng định rõ cam kết của ASEAN với việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không đe dọa hoặc dùng vũ lực, phù hợp với nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự và tự kiềm chế trong khi tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm cải tạo đất, có thể khiến căng thẳng ở Biển Đông gia tăng.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); và trong khi ghi nhận xu hướng cùng giai đoạn mới của cuộc tham vấn, thúc giục sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), bao gồm thông qua tăng cường tần suất các hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc và các cuộc họp của Nhóm công tác chung về việc thực hiện DOC trên Biển Đông.
Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết về tăng cường nỗ lực để đạt được tiến bộ hơn nữa trong việc thực hiện DOC, và sớm thông qua COC.
Trong bối cảnh hiện nay, vì lợi ích của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, khi chúng ta tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và hướng tới sớm thông qua COC, chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc thiết lập các đường dây nóng giữa những Bộ Ngoại giao để quản lý những diễn biến hàng hải khẩn cấp trên Biển Đông.
Chúng tôi cũng đã xem xét đề xuất thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử cho những chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) đối với các tàu hải quân hoạt động ở Biển Đông. Đây được xem là kết quả của hội nghị cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Quan điểm của chúng tôi là đây đều là những biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng, các rủi ro về tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Khi nỗ lực theo đuổi việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm thông qua COC, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa để có thể nâng cao sự tin tưởng và niềm tin giữa các bên.