Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASEAN khó tạo lập trường thống nhất trước Trung Quốc

Việc tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được công bố nhưng nhanh chóng bị thu hồi, cho thấy Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng với nội bộ ASEAN.

Đêm 14/6, giới truyền thông nhận được văn bản được cho là tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc, họp tại Côn Minh, Trung Quốc. Nội dung tuy không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng nêu rõ về những lo ngại của các nước đối với các diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Tuy nhiên, vài tiếng sau khi phát hành, Ban Thư ký ASEAN vội vã thông báo thu hồi văn bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó cũng lên tiếng rằng họ đã kiểm chứng với phía ASEAN, nói văn bản gửi báo chí không phải tuyên bố chính thức.

"Việc văn bản bị thu hồi cho thấy Trung Quốc dường như đã phản ứng với nội dung được đề cập, buộc phải thu hồi. Trung Quốc hiển nhiên sẽ phản ứng trước những nội dung như các diễn biến gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), nói trong email gửi Zing.vn.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSSD) nói ông không bất ngờ với việc tuyên bố chung bị rút. “Với những nội dung mạnh mẽ như vậy, ra được tuyên bố mới là điều đáng ngạc nhiên”.

ASEAN rut tuyen bo chung ve Bien Dong anh 1
Cuộc họp đặc biệt giữa Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc diễn ra ở Côn Minh, Vân Nam, ngày 14/6. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hành xử “thô bạo”

Theo TS Trường, cuộc họp lần này diễn ra tại Trung Quốc. Dù các ngoại trưởng có bày tỏ lo ngại ở những phiên thảo luận kín, "việc đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ như vậy, ngay tại đất Trung Quốc, chẳng khác một cái tát vào mặt nước này".

TS Trường chỉ ra thế khó của ASEAN là khó khăn trong việc tạo dựng lập trường thống nhất và cứng rắn với Trung Quốc. "Cách ngoại giao của Trung Quốc bây giờ rất thô bạo, không chỉ với 1, 2 nước, tự cao, tự đại", ông nói, đồng thời nhắc đến việc Ngoại trưởng Vương Nghị lớn tiếng chỉ trích một phóng viên Canada hồi tháng trước như một ví dụ.

Theo Giáo sư Zach Abuza (Đại học Chiến tranh Quốc gia, Mỹ), những diễn biến liên tiếp cho thấy Trung Quốc không còn quan tâm giấu diếm ý định gây sức ép và mua chuộc một số nước thành viên ASEAN để đưa vấn đề tranh chấp thành chủ đề thảo luận đa phương.

“Chính sách ‘không can thiệp’ mà Trung Quốc luôn rêu rao hoàn toàn rỗng tuếch. Điều đáng quan ngại hiện nay là Bắc Kinh thực hiện điều đó (can thiệp và chia rẽ) một cách dễ dàng”, ông nói với Zing.vn.

Theo Giáo sư Abuza, ngoài những vụ đầu tư và hỗ trợ kinh tế quy mô lớn ở Campuchia và Lào, cần phải chú ý đến cả những gì Trung Quốc đã làm với Malaysia.

“Việc Bắc Kinh gần đây tuyên bố mua một phần tài sản trị giá 2 tỷ USD ở quỹ 1MDB, nơi gây ra bê bối chính trị nghiêm trọng nhất đối với Thủ tướng Najib Razak, đã chìa ra ‘phao cứu sinh’ đối với ông Najib”. Trong khi đó, chính phủ quân sự ở Thái Lan tiếp tục tự ngăn cách về mặt ngoại giao, buộc họ phải tiếp cận với Trung Quốc.

ASEAN rut tuyen bo chung ve Bien Dong anh 2
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Sự vắng mặt của Singapore

Báo chí cho biết Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã rời cuộc họp sớm hơn dự kiến. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng giải thích rằng ông phải trở về sớm do còn những công việc khác.

Theo ông Thayer, với vai trò là nước điều phối đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc, cũng như đồng chủ tịch với Ngoại trưởng Trung Quốc tại hội nghị đặc biệt, "ông Balakrishnan lẽ ra nên cùng dự buổi họp báo chung với ông Vương Nghị".

Trong khi đó, Giáo sư Abuza cho rằng “Singapore đã phẫn nộ một cách hợp lý”. “Nước này hiển nhiên có lợi ích từ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và sự đoàn kết của ASEAN. Do vậy, việc phải chứng kiến một số nước liên tục đi ngược lại sự đoàn kết này kể từ hội nghị năm 2012 là điều gây thất vọng”.

Philippines, nước vốn hùng hồn nhất trong các hội nghị và sẽ trở thành tâm điểm của khu vực khi PCA ra phán quyết, đến nay vẫn chưa lên tiếng về việc tuyên bố chung bị rút lại. Giới phân tích cho rằng điều này xuất phát từ thực tế là Philippines đang trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị, và vị tổng thống sắp mãn nhiệm thường không muốn vướng vào những tranh chấp ngoại giao hoặc chính trị.

ASEAN rut tuyen bo chung ve Bien Dong anh 3
Các nước ASEAN khó khăn trong việc đạt tiếng nói chung mạnh mẽ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khả năng đồng thuận về phán quyết về vụ kiện của Philippines?

Một diễn biến quan trọng sắp tới đối với tình hình tranh chấp ở Biển Đông là phán quyết cuối cùng của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện do Philippines khởi xướng.

Theo Giáo sư Thayer, các nước ASEAN đang cùng soạn thảo tuyên bố chung để chuẩn bị đón đầu phán quyết của PCA. Ngày 9/6, một quan chức ngoại giao Indonesia cho biết quá trình tìm kiếm sự đồng tình về tuyên bố này đang diễn ra. "ASEAN chắc chắn sẽ ra tuyên bố chung về kết quả vụ kiện, nhưng để đạt được sự đồng thuận thì họ có thể sẽ né tránh những ngôn từ cứng rắn, hoặc không đề cập đến Trung Quốc", ông Thayer nói.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã “quyết liệt” vận động và cả đe dọa để lôi kéo các nước đứng về phe mình, theo Giáo sư Abuza. “Trung Quốc tuyên bố hơn 40 quốc gia đã ủng hộ họ, nhưng theo quan sát của tôi thì chỉ mới có 6 nước. Tuy nhiên, mục tiêu ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc chính là ngăn chặn ASEAN đưa ra phản ứng chung”, ông nói với Zing.vn.

Indonesia giải thích việc ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông

Ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Indonesia lên tiếng giải thích rằng văn bản được cho là tuyên bố chung về tình hình Biển Đông gửi đến báo chí nhưng phải thu hồi vì sơ suất.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm