Khieu Samphan, cựu lãnh đạo cấp cao 91 tuổi của Khmer Đỏ, trong phiên phúc thẩm tại tòa án Campuchia ở Phnom Penh năm 2021. |
Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot (ECCC) do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với nhà lãnh đạo Pol Pot duy nhất còn sống sót vào ngày 22/9. Các luật sư của Khieu Samphan cáo buộc tòa án thực hiện một “cách tiếp cận có chọn lọc” để lấy lời khai, theo Guardian.
Trước đó, vào tháng 11/2018, Khieu Samphan, người đứng đầu nhà nước “Campuchia dân chủ” thời chế độ Pol Pot, đã bị kết án chung thân vì tội ác diệt chủng đối với người Việt Nam, tội ác chống lại loài người và vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva.
Phán quyết vào thời điểm đó nhấn mạnh rằng Khieu Samphan “khuyến khích, kích động và hợp pháp hóa” các chính sách tội phạm dẫn đến cái chết của thường dân “trên quy mô lớn”. Các nhà sư Phật giáo bị cưỡng bức ra khỏi chùa trong khi người Hồi giáo bị buộc ăn thịt lợn.
Ước tính 1,7 triệu người đã thiệt mạng dưới thời Khmer Đỏ. Những vụ hành quyết hàng loạt, nạn đói và các trại lao động của Khmer Đỏ được coi là những hành động tồi tệ nhất của thế kỷ XX. Vào thời điểm chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979, Campuchia đã mất khoảng 25% dân số.
Khoảng 20.000 người Việt Nam, 100.000 đến 500.000 người Chăm cũng là nạn nhân của Khmer Đỏ.
Tòa án ECCC được thành lập vào năm 1997, bao gồm các thẩm phán Campuchia và quốc tế. Tổng kinh phí dành cho tòa án đã chạm mốc 330 triệu USD. ECCC sẽ kết thúc nhiệm kỳ vĩnh viễn vào năm 2022, nhưng một số công tác vẫn phải duy trì.
Năm 2018, tòa án đã tuyên án chung thân cho Khieu Samphan, Nuon Chea - nhân vật cấp cao thứ hai trong chế độ Pol Pot. Tuy nhiên, Nuon Chea đã chết năm 2019.
Năm 2010, ECCC cũng kết án chung thân đối với Kaing Guek Eav, biệt danh là “Duch”, cai ngục nhà tù Tuol Sleng S-21 khét tiếng. Nhân vật này chết vào tháng 9/2020.
Pol Pot, thủ phạm chính của chế độ Khmer Đỏ, không thể đối mặt với công lý vì đã chết năm 1998.