Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng hạ tầng Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự kiến trong tuần này TP sẽ công bố các lộ trình từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cùng Sở GTVT các tỉnh điều phối và tổ chức giao thông thông suốt để người dân về quê đón Tết.
Về lâu dài, Sở GTVT TP.HCM soạn thảo quy chế phối hợp liên vùng tổ chức giao thông, phân luồng từ xa, xử lý các sự cố, tai nạn giao thông.
Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn Lê Minh Triết cho biết người dân có thể truy cập bằng máy tính, điện thoại thông minh vào Cổng thông tin về giao thông TP.HCM.
Hệ thống cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng với hơn 400 camera tại các nút giao, đặc biệt là 37 điểm đen thường xuyên ùn tắc giao thông. Thông qua dữ liệu GPS của toàn bộ các phương tiện (TP.HCM có 70.000 phương tiện gắn GPS), trung tâm sẽ biết được tình trạng lưu thông của từng khu vực, từ đó đưa ra các cảnh báo kịp thời như màu xanh (thuận lợi); vàng (di chuyển chậm) và đỏ (kẹt xe). Nhìn vào bản đồ giao thông, cơ quan chức năng sẽ biết được hiện trạng lưu thông của từng khu vực để kịp thời xử lý và người dân có thể lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp.
Hiện nay, Sở đang hoàn thiện một chương trình để sắp tới người dân có thể lựa chọn lộ trình đi từ điểm A đến điểm B theo thời gian thực với 2, 3 lộ trình đề xuất kèm những khuyến cáo về thời gian. Dự kiến chương trình này được đưa vào sử dụng trước Tết cổ
truyền 2018.
Trong năm 2018, Sở triển khai dự án trung tâm điều khiển giao thông giai đoạn 1 với khoảng 300 nút giao khu vực trung tâm TP.HCM, một phần quận 4, thuộc khu vực 930 ha.
Hệ thống sẽ xây dựng mô hình giao thông, thông qua dữ liệu bên ngoài (GPS, các camera đo đếm), lấy được lưu lượng xe về trung tâm và phân tích mạng lưới giao thông trên cơ sở sử dụng phần mềm chạy trên mô hình, kết hợp dữ liệu đầu vào để tối ưu hoá mạng lưới giao thông hiện nay và điều khiển giao thông tự động (hiện nay còn điều khiển thủ công đèn tín hiệu giao thông).
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ phục vụ TP.HCM mà cả khu vực phía Nam.
“Tân Sơn Nhất ùn tắc, cầu Rạch Miễu kẹt xe, cả khu vực sẽ bị ảnh hưởng nên các tỉnh, thành cần chia sẻ thông tin và tổ chức điều tiết, phân luồng từ xa khi xảy ra sự cố, tai nạn để tránh ùn tắc lan rộng”, ông Cường nhấn mạnh.
Kẹt xe diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào dịp cao điểm Tết tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. |
Nhanh chóng khép kín các đường vành đai
Ông Cường dẫn chứng: Chỉ cần xảy ra tai nạn giao thông ở Bình Thuận, các xe khách sẽ không kịp quay lại TP.HCM để đưa khách về miền Trung, miền Bắc. Không có xe, TP.HCM phải tăng cường xe buýt, vì vậy cần có kế hoạch, cơ chế thông tin để thực hiện nhịp nhàng.
Về lâu dài, ông Bùi Xuân Cường cho rằng cần nhanh chóng đầu tư khép kín đường vành đai 2 và tập trung thực hiện dự án đường vành đai 3. Theo ông Cường đường vành đai 3 nếu khép kín sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội liên vùng và giảm ùn tắc cho TP.HCM. Một trong những thuận lợi là TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, cho phép ứng vốn làm trước, Trung ương hoàn trả sau.
Theo ông Đào Ngọc Vinh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, đường vành đai 2 quy mô 6-10 làn xe với chiều dài 64 km và đường vành đai 3 dài 89 km, quy mô 6-8 làn xe phù hợp với phát triển không gian vùng.
Cũng theo ông Vinh, việc hoàn thành các tuyến đường vành đai sẽ phân bổ lưu lượng cho các đường hướng tâm, tránh lưu thông qua khu vực trung tâm vùng (TP.HCM) gây ùn tắc. Hệ thống đường vành đai cần đầu tư sớm cùng với các trục liên vùng gắn với đường vành đai nối liền TP.HCM và các tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư rất chậm các tuyến đường vành đai hiện nay quá chậm. Đường vành đai 4 chưa có. Đường vành đai 3 mới có đoạn Mỹ Phước–Tân Vạn và một đoạn do Bộ GTVT đầu tư. Riêng đường vành đai 2 còn 2 đoạn hở với tổng chiều dài 14 km.
Các đường vành đai chưa hoàn thành khiến toàn bộ lưu lượng phương tiện hướng tâm vào TP.HCM gây ùn tắc. Ông Vinh cho biết một trong những lý do “rùa” là nguồn vốn đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các lộ trình từ TP.HCM về các tỉnh trong dịp Tết
Khu vực Bến xe Miền Đông (BXMĐ) có ba lộ trình: BXMĐ – Quốc lộ (QL) 13 – đường Phạm Văn Đồng – QL1 – cầu Đồng Nai – Ngã ba Dầu Giây; hoặc BXMĐ – Xa lộ Hà Nội – QL 1A – cầu Đồng Nai – Ngã ba Dầu Giây; hoặc BXMĐ– Xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ – cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Khu vực Bến xe Miền Tây đi theo ba hướng chính: Đường cao tốc TP.HCM –Trung Lương; QL1 hoặc QL 50.